Trao đổi với PV Dân Việt ngày 3.3, PGS.TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết, năm nay trường vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 1.550 với 28 chuyên ngành nhưng có một số đổi mới mang tính chất “quyết định” để thay đổi chất lượng đào tạo các chuyên ngành báo chí. Cụ thể:
Xếp ngành sau 1 năm đào tạo
Mùa thi năm nay, đối với các chuyên ngành báo chí: báo in, báo mạng điện tử, báo hình, phát thanh, đa phương tiện, sẽ không phân ngành ngay từ đầu mà lấy điểm chuẩn đầu vào chung - ngành báo chí. Thí sinh sau khi đỗ vào ngành này chỉ được phân chuyên ngành sau năm thứ nhất, khi sinh viên đã học hết các kiến thức đại cương.
Thí sinh tham dự mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Lưu Văn An: “1 năm học đại cương sẽ giúp cho các em hiểu được cơ bản về các chuyên ngành báo chí, từ đó sẽ lựa chọn cho mình ngành học thích hợp và vừa sức. Trường sẽ thực hiện phân chuyên ngành dựa theo các tiêu chí: nguyện vọng của sinh viên; điểm số các tín chỉ học tập; điểm đầu vào; điểm rèn luyện…các tiêu chí sẽ được đưa ra ngay từ đầu để sinh viên biết, đảm bảo công bằng, tạo động lực phấn đấu”.
Cấu trúc bài thi năng khiếu ra sao?
Sau 1 năm thực hiện bài thi năng khiếu, ông An cho biết, chất lượng sinh viên các chuyên ngành báo chí được nâng lên rõ rệt vì lựa chọn được những thí sinh đam mê với ngành báo và có năng khiếu thực sự. Năm nay, đề thi năng khiếu sẽ được duy trì dự kiến gồm 3 phần (10 điểm), làm bài trong 150 phút.
Phần 1, trắc nghiệm (3 điểm) bao gồm kiến thức của các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân; Phần thứ 2, đưa ra một văn bản sai thí sinh phải phát hiện chỗ sai để sửa thành văn bản hoàn chỉnh (3 điểm); Phần 3 là đưa 1 vấn đề chính trị, kinh tế hoặc xã hội để thí sinh bình luận, đưa ra quan điểm và chính kiến của mình qua bài viến ngắn (4 điểm)
Theo ông An: “Đề thi năng khiếu sẽ đánh giá được kiến thức nên, kiến thức về văn bản, kiến thức về bình luận sự kiện. Đây chính là những kỹ năng mà một nhà báo tương lai cần phải có”.
Phỏng vấn qua việc… cảm thụ hình ảnh
Riêng đối với chuyên ngành báo ảnh, quay phim, năm nay Học viện Báo chí & Tuyên truyền sẽ thực hiện hình thức thi “đặc biệt”: Phỏng vấn qua việc…cảm thụ hình ảnh.
Cụ thể, theo ông An, một số hình thức phỏng vấn dự kiến sẽ được thực hiện như sau: đưa ra một loạt ảnh, yêu cầu thí sinh lắp ráp theo chủ để và thuyết minh; đưa ra 1 bức ảnh yêu cầu thí sinh phân tích về góc độ chính trị, xã hội mà bức ảnh phản ánh; đưa ra 1 bức ảnh bắt thí sinh cắt làm 2 - 3 bức khác và nói về ý đồ của mình; đưa máy ảnh cho thí sinh chụp 1 bức bất kỳ trong khuôn viên trường thi và thuyết minh…
PGS.TS Lưu Văn An
Lý do có hình thức thi mới này ông An cho biết: “Trong quá trình đào tạo chúng tôi phát hiện ra rằng, sinh viên thuộc 2 chuyên ngành này bắt buộc phải có một số tố chất cơ bản như: Có chiều cao, sức khỏe (đối với ngành quay phim) để dễ dàng tác nghiệp, có đam mê chụp ảnh (đối với ngành báo ảnh), có trình độ thẩm thấu về hình ảnh, khả năng cảm nhận hình khối, hình thể, nhận diện bố cục và khuôn hình... ”.
Có thể lấy 2 bằng 1 lúc
Cũng bắt đầu từ năm 2016, Học viện Báo chí & Tuyên truyền thay đổi hình thức đào tạo sang tín chỉ, chính vì vậy, sinh viên trường báo có thể cùng 1 lúc lấy 2 bằng sau khi ra trường.
Ông An nói rõ, sau khi sinh viên học đầy đủ các tín chỉ của chuyên ngành chính của mình sẽ có thể đăng ký học thêm một số môn cần thiết để có thêm 1 bằng khác nữa khi tốt nghiệp. Thực tế, rất nhiều sinh viên của trường học ngành này nhưng ra trường lại làm công việc của… ngành khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.