Phỏng vấn qua… xếp ảnh
Đó là một trong những hình thức thi tuyển mới cho 2 chuyên ngành báo ảnh và quay phim của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong mùa tuyển sinh năm nay. PGS-TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện cho biết: “Sinh viên thuộc 2 chuyên ngành này bắt buộc phải có một số tố chất cơ bản như: Có chiều cao, sức khỏe (đối với ngành quay phim) để dễ dàng tác nghiệp, có đam mê chụp ảnh (đối với ngành báo ảnh), có trình độ thẩm thấu về hình ảnh, khả năng cảm nhận hình khối, hình thể, nhận diện bố cục và khuôn hình... những yếu tố này, thí sinh không thể bộc lộ qua xét tuyển kiến thức như thi cử thông thường”.
Thi đánh giá năng lực bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính tại ĐH Quốc gia Hà Nội
năm 2015. Ảnh: T.A
Ông An cũng cho biết, trường sẽ tổ chức phỏng vấn cho 2 chuyên ngành này bằng một số hình thức rất mới: “Chúng tôi dự kiến sẽ có một số hình thức phỏng vấn như sau: Có thể đưa ra một loạt ảnh, yêu cầu thí sinh lắp ráp theo chủ để và thuyết minh; đưa ra 1 bức ảnh yêu cầu thí sinh phân tích về góc độ chính trị, xã hội mà bức ảnh phản ánh; đưa ra 1 bức ảnh bắt thí sinh cắt làm 2 – 3 bức khác và nói về ý đồ của mình; đưa máy ảnh cho thí sinh chụp 1 bức bất kỳ trong khuôn viên trường thi và thuyết minh”.
Trong khi đó ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh lại chọn phương án xét tuyển trực tuyến và chỉ có 1 đầu mối nhận hồ sơ đăng ký tại trường này thay vì mỗi trường thành viên tự nhận hồ sơ như các năm trước. Đặc biệt, trường này sẽ xét tuyển thẳng học sinh từ 82 trường THPT chuyên cả nước với yêu cầu phải có bài luận với câu hỏi duy nhất: “Vì sao bạn chọn ngành học này?”. Đồng thời có thư giới thiệu của chính giáo viên giảng dạy học sinh đó hoặc của hiệu trưởng, hiệu phó các trường THPT chuyên.
Một hình thức xét tuyển khác được các trường áp dụng năm nay là mô hình liên kết tuyển sinh theo nhóm. Cụ thể, một số trường có các chuyên ngành đào tạo chung lập thành 1 nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GDĐT nhằm hạn chế tình trạng thí sinh ảo và chọn được thí sinh yêu thích ngành đào tạo đó. Những trường là thành viên của nhóm sẽ tạo kho dự liệu xét tuyển và dùng chung phần mềm xét tuyển.
Thận trọng với tiêu chí lạ
Các hình thức xét tuyển mới năm nay mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh có thể lựa chọn đúng chuyên ngành và đi theo đam mê đích thực của mình đối với chuyên ngành đó. Tuy nhiên, nó cũng tạo áp lực không nhỏ khiến thí sinh phải thận trọng hơn.
Năm ngoái, lần đầu tiên áp dụng hình thức thi năng khiếu, thí sinh cũng có rất nhiều bỡ ngỡ, nhiều em gọi điện, email về phòng đào tạo của trường xin tư vấn, đề thi năng khiếu nhiều người ngoài cuộc nhìn cũng thấy “choáng”. Nhưng, thí sinh năm đó làm bài rất tốt, chất lượng sinh viên báo chí lên hẳn. Điều đó để nói rằng, các em không nên quá lo lắng”.
TS Lưu Văn An
|
Em Nguyễn Văn Sơn – học sinh Trường THPT Phủ Cừ (Hưng Yên) năm nay sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tuyển vào ĐH, CĐ. Sơn cho biết: “Càng đọc thông tin của các trường em càng thấy rối. Có trường thì sơ tuyển bằng học bạ, trường thì thi năng khiếu, phỏng vấn, viết bài luận... Chúng em đã quen với cách học cũ, thi cũ, chưa bao giờ tham gia 1 cuộc phỏng vấn mặt đối mặt với thầy cô. Có thể bình thường kiến thức khá chắc nhưng không đủ tự tin, không nói năng hoạt bát sẽ trượt như chơi. Em cũng không biết cách viết bài luận thế nào. Tìm hiểu mẫu và cách viết ở đâu?”. Cũng theo Sơn, đó là băn khoăn của rất nhiều bạn trong lớp đang có ý định thi vào các trường có phương thức thi, xét tuyển mới lạ.
Nói về vấn đề này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, đưa ra các phương thức tuyển sinh mới, đặc thù là thể hiện tính chuyên nghiệp của các trường trong việc lựa chọn người học nhưng có thể học sinh sẽ bối rối. “Các em sẽ không thể học tủ, luyện tủ hay trông chờ số phận may rủi nữa mà phải học thật, thi thật, có bản lĩnh, xác định phải có đam mê thực sự với ngành nghề đó. Ngoài ra, không thể bó gọn kiến thức học trong sách giáo khoa và nhà trường nữa, phải nạp kiến thức ngoài xã hội, luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói, chuẩn bị tinh thần thật tốt thì mới có thể thành công trong các phương thức thi mới này” – ông Nhĩ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.