Hồi đó, thời sơ tán, chúng tôi về quê, ăn ở nhờ trong nhà nông dân. Sau ngày hòa bình, khi tôi mời ông cụ chủ nhà lên TP.Hải Phòng chơi mấy bữa ở nhà tôi, ông nhất định không nghe. Ông nói một câu tôi còn nhớ mãi: “Cám ơn bác, nhưng tôi không muốn ra thành phố chút nào. Ông cụ tôi có dặn: Chơi đâu không bằng chơi nhà, quà đâu không bằng quà quê!”.
Câu “danh ngôn” này làm tôi suy nghĩ mãi. Nó mà phổ biến ra thì ngành du lịch trong nước thất thu to. Nhưng sự đời cái gì có mặt mà không có cái lý do của nó. Vì sao người nông dân luôn cho cái nhà của mình, cái ao của mình (ta về ta tắm ao ta), quê hương của mình là nhất.
Không phải trước đây mà có lẽ cả ngày nay, khi xe cộ, tàu hỏa, máy bay đi lại khá dễ dàng, khi làng nào cũng có con em đi làm ở thành phố hay nước ngoài, chắc vẫn còn những người (nhất là phụ nữ) chưa hề đặt chân tới cái gọi là thành phố ngoài việc thấy chúng trên TV. Nông dân bảo thủ? Đâu có! Chính nông dân đã là những người tiến bộ hàng đầu khi tham gia khoán hộ trước đây. Nông dân lâu nay vẫn là động lực của nhiều cuộc đổi mới...
Nghĩ mãi, cho đến một ngày tôi chợt nhận ra đó là một định mệnh với nông dân. Thì ra, trong lịch sử lâu đời, người nông dân ra khỏi làng là gặp ngay Tám Bính hai ngón, cạm bẫy chăng đầy, người có tiền bị lừa tiền, người có sắc bị lừa tiết hạnh, mua phân gặp phân giả, mua giống gặp giống lép, mất mùa thì không có gì bán, được mùa thì giá rớt, bán cả chục tỷ tiền cá thì bị đại gia nợ hàng năm liền. Nay đến chuyện tày đình như mỡ bẩn, thịt bẩn, thịt nạc hóa chất, đâu phải nông dân làm ra mà tất tật hậu quả nông dân chịu hết(?)
Nhà mình, quê mình, có thể chưa phải là nơi đẹp nhất. Nhưng chắc chắn an toàn nhất, chí ít là không bị lừa. Không ra khỏi nhà thì đúng là an toàn nhưng như thế thì bao giờ nông dân thoát được nghèo, chưa nói giàu lên? Đã đến lúc phải chấm dứt việc “đè eo nhấn thủng”, giải phóng tiềm lực của nông dân, đưa lại lợi ích thiết thực cho họ bằng việc làm chứ không phải lời nói.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.