Chới với bên miệng tử thần

Trần Quang Thứ hai, ngày 08/06/2015 14:20 PM (GMT+7)
Mùa mưa bão ở miền Bắc đang đến gần cũng là lúc những người dân sống cạnh các “điểm đen” về sạt lở lại lo lắng với nỗi sợ có thể bị mất vườn tược, hoa màu, thậm chí tính mạng cũng có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào.
Bình luận 0

Vườn tược, nhà cửa bị “gặm nhấm” dần

Những ngày cuối tháng 5.2015, chúng tôi tìm về xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, (Hải Dương), đây được coi là điểm “đen” sạt lở nguy hiểm trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Thuấn (60 tuổi) ở thôn Tiên Động kể: “Những năm gần đây, sông Luộc trở nên dữ dằn, qua mỗi năm lại cuốn đi nhiều đất đai, hoa màu và nhà cửa của dân ở đây”. Nhà ông Thuấn là một trong những hộ bị thiệt hại nhiều về hoa màu, tài sản. Chỉ trong 2 năm vừa qua, nhà ông đã bị mất đi 2 công trình phụ gồm bếp và nhà vệ sinh cùng hàng chục cây ăn quả lâu năm. “Nhà giờ cũng sắp mất đến nơi rồi, không biết mai này sẽ sống ở đâu”- ông Thuấn lo lắng.

img
 Bà Chu Thị Huyền ở thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội đang kiểm tra khu vực sạt lở sát mép nhà của gia đình.  Ảnh:  Trần Quang

Cách nhà ông Thuấn không xa, ông Nguyễn Văn Quân cũng đang lâm vào tình cảnh chới với trước nỗi lo mất vườn, mất nhà vì bị sạt lở. Toàn bộ gia sản của gia đình ông chỉ có hơn 3 sào đất, trong đó có căn nhà mái bằng mới được vợ chồng ông tích góp vay mượn xây năm 2009. Nhưng đến giờ, do bị sạt lở xuống sông nên ông chỉ còn có 1,5 sào, toàn bộ nhà cửa, sân… đều đã nứt toác, có vết nứt còn cho cả tay người vào được. “Nhà cửa và tính mạng gia đình tôi đang chới với bên mép sông rồi mà chả thấy chính quyền địa phương có hành động gì cả. Nhiều lần họp ở xã, bà con có đề nghị, yêu cầu nhưng họ chỉ trả lời chung chung, kêu không có vốn, chờ huyện, tỉnh, sau đó lại rơi vào im lặng” – ông Quân nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Gia Long – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay: “Toàn xã có khoảng 1.250 hộ dân với 5 thôn dân cư thì có đến 3 thôn nằm ngoài đê sông Luộc, gồm My Động 1, My Động 2 và Tiên Động, chiếm trên 60% dân số toàn xã. Để giúp người dân sinh sống ổn định, chúng tôi đã đề nghị T.Ư hỗ trợ công trình đê kè tại 2 điểm đê xung yếu ở thôn My Động 1, My Động 2 với chiều dài hơn 1.000m. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tuyến bờ đê tại khu vực thôn Tiên Động chưa có kè bảo vệ, với hơn 300 hộ nằm ngoài đê trung ương, trong đó có hơn 30 hộ không có đê bối bảo vệ, nguy cơ sạt lở rất cao”.

Theo ông Long, xã cũng biết rõ sự nguy hiểm đối với các hộ dân sông cạnh đê và nhiều lần khảo sát nhưng cũng không còn cách nào khác ngoài việc đợi trung ương cấp vốn thực hiện. Trước mắt, xã đã lập danh sách các hộ dân sống ngoài đê thuộc diện phải di dời, nhưng phần lớn các hộ được tuyên truyền, vận động đều không muốn đi vì đã quen ở chỗ cũ, sợ đến chỗ mới không sống được.

Nguy hiểm vẫn phải đợi

Cũng trong tình cảnh nguy hiểm đó, hàng chục hộ dân ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng đang rơi vào tình cảnh mất ăn, mất ngủ vì sông Đà đang cuốn đi đất đai, hoa màu, nhà cửa của họ mỗi ngày. Có nhà ở cách mép sạt lở chưa đến 10m, như nhà của bà Chu Thị Huyền ở xóm Giữa, thôn Trung Hà, xã Thái Hòa. Bà Huyền nói: “Đấy chú xem, gia đình tôi hàng ngày vẫn phải sống chung nguy hiểm, đến mảnh đất, ngôi nhà thờ cúng tổ tiên cũng sắp mất mà chả biết kêu ai cả. Mùa mưa bão năm 2014, hầu như đêm nào gia đình tôi cũng phải di chuyển con sang các hộ bên ngoài đê, còn 2 vợ chồng tôi phải thức để canh nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mất nhà, mất của”.

Bà Huyền cho biết, từ năm 2000, từ nhà bà đến mép nước sông Đà cách vài trăm mét nhưng qua mỗi năm, nhất là vào năm 2008 có trận lũ lịch sử, từng con sóng hung dữ đã cuốn đi hết toàn bộ công trình phụ, cây cối, gần như hết đất đai của gia đình bà. Để có chỗ tắm, giặt quần áo, sinh hoạt, tháng 4 vừa qua, hơn 30 hộ dân ở xóm Giữa, thôn Trung Hà đã phải bảo nhau tự quyên góp mỗi hộ 500.000 đồng để kè qua bờ và xây bậc thang lên xuống. “Toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của chúng tôi đang phải phụ thuộc vào sông Đà, dù biết sạt lở nguy hiểm, nhiều lần đề nghị chính quyền xây kè cho để dùng nước nhưng không thấy động tĩnh gì nên các hộ phải tự lo cho mình” – bà Huyền chia sẻ.

Ông Phùng Đình Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Việc sạt lở bờ sông Đà ở xã và các xã lân cận như Phong Vân, Chu Minh… đã xảy ra nhiều năm nay. Trong đầu tháng 3 vừa qua, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Xuân Việt dẫn đầu các sở, ban ngành cũng đã về khảo sát thực tế tại địa phương và cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng lên phương án xây dựng kè, gia cố và hiện đã triển khai tại xã Phong Vân, trong thời gian tới khả năng sẽ hoàn thiện tiếp đoạn sạt lở của xã Thái Hòa”.

Cũng theo ông Tuấn, toàn xã có chiều dài hơn 700m đê sông Đà, trong đó điểm đang sạt lở báo động nguy hiểm nằm ở thôn Trung Hà với khoảng 12 hộ dân, trong đó có một số hộ đã có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản như hộ ông Hoàn Văn Dũng mất nhiều công trình phụ và cây cối, bà Nguyễn Thị Minh mất nhà nhiều hoa màu, đất thổ cư…

“Trước mắt, nếu dự án xây kè chưa kịp triển khai, xã sẽ xin huyện cho quy hoạch vùng đồi trong để vận động các hộ trên vào tạm tránh trong mùa mưa bão sắp tới. Tuy nhiên, phương án này cũng không khả thi lắm vì phần lớn các hộ vẫn muốn ở chỗ cũ giữ đất tổ tiên và gần sông để tiện sinh hoạt” – ông Tuấn nói.

  Nói về thực trạng sạt lở trên địa bàn, ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: “Hiện, phần lớn các điểm đen về sạt lở của Hà Nội đến thời điểm này hầu như đã cơ bản được khắc phục, gia cố. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm sạt lở ở Ba Vì như Thái Hòa, Chu Minh, Phong Vân đang được huyện Ba Vì triển khai làm tiếp, còn hoàn thành kịp trước mùa mưa bão tới hay không còn phải phụ thuộc vào đơn vị thi công”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem