Chọn ngành phù hợp hay chọn theo độ “hot” của trường: Chuyên gia tư vấn

Anh Tuấn Thứ tư, ngày 15/03/2023 16:57 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, khi quyết định chọn một ngành để xét tuyển đại học, trước hết phải xem ngành học đó mình có thích không, có phù hợp với năng lực và tài chính của bản thân, gia đình hay không.
Bình luận 0

Chọn ngành học phụ thuộc vào năng lực, sở thích, tình hình tài chính

Tại buổi giao lưu trực tuyến "Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội?" do Báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức sáng 15/3, các chuyên gia đã có những chia sẻ rất hữu ích với thí sinh về việc chọn ngành, chọn trường.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng, các em nên chọn ngành học trước, sau đó mới chọn trường phù hợp.

Tuy nhiên, danh tiếng trường cũng là một vấn đề được các học sinh quan tâm. Bằng đại học rất quan trọng vì nó sẽ đi cùng các em cả cuộc đời. Giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở việc đào tạo những kỹ năng mà còn giúp sinh viên có phương pháp học tập.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh, ngành đào tạo quan trọng hơn chọn trường vì nó sẽ giúp định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, đối với những thí sinh yêu trường, muốn vào trường đó thì nên chọn nhóm ngành nghề gần nhau. Ví dụ, kinh tế luật, kinh tế chính trị.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, có nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào, theo sự chỉ định của gia đình, người thân, hoặc đơn giản là thấy bạn mình chọn ngành học đó nên cũng chọn theo. Cũng có những em lựa chọn theo xu thế của xã hội, số đông xã hội cho rằng ngành đó đang hot, là đẳng cấp thì các em chọn. Trong khi các em cũng chưa chắc đã hiểu biết hay yêu thích ngành đó. Điều này dẫn đến việc, sau một thời gian học các em tự thấy mình không phù hợp ngành đã chọn, động lực học tập không còn.

Chọn ngành phù hợp hay chọn theo độ “hot” của trường: Chuyên gia tư vấn - Ảnh 1.

Khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là thí sinh phải xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào, và cuối cùng là thu nhập. Ảnh minh họa thí sinh làm thủ tục dư thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Quảng Ninh: Bùi My

Vì vậy, các em cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không. Và ngoài năng lực chuyên môn các em cũng cần lưu ý đến các năng lực về sức khoẻ, tài chính... Nếu thí sinh thích một ngành học nào đó, nhưng ngành đó lại đòi hỏi một năng lực tài chính vượt khỏi khả năng chi trả của gia đình thì cũng không nhất thiết phải lựa chọn ngành đó.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên nhận định, các thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Sau khi chọn được ngành yêu thích, các em mới nên chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.

Chưa biết bắt đầu từ đâu thì nên chọn ngành như thế nào cho phù hợp?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là thí sinh phải xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào, và cuối cùng là thu nhập.

"Vậy làm thế nào để xác định cụ thể mình yêu thích ngành nghề nào, có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách, hỏi chuyên gia, tư vấn qua truyền hình để có thêm thông tin, từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng", Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận nói.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận cho biết thêm, hiện tại nhiều trường công bố công khai việc sinh viên sẽ có việc làm sau tốt nghiệp làm kênh tham khảo, tham chiếu: "Việc chọn theo uy tín của các trường, tôi nghĩ phải chọn xem trường đó đào tạo như thế nào. Trong bất cứ ngành nào, chúng tôi đào tạo theo triết lý cây cầu, trụ cột về kiến thức là chân cầu; trụ cột thứ hai là kiến thức xã hội, cung cấp cho những kỹ năng mềm….".

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ, rất nhiều sinh viên sau khi học đại học được 1-2 năm rồi mới thấy mình không phù hợp ngành đã chọn thì có thể chuyển sang ngành khác.

Các em có điều kiện chuyển sang ngành khác phù hợp mà các vẫn đảm bảo về điều kiện đầu vào. Trường hợp các em không thể tiếp tục với ngành đang học, có thể tuyển sinh lại từ đầu.

"Việc lựa chọn đại học là cần thiết và cần lựa chọn thật kỹ. Nhưng nếu chúng ta lựa chọn nhầm ngành nghề thì các bạn cũng đừng quá bi quan, bởi chuyên môn đánh giá đúng chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công của con người. Nếu bạn đã chọn nhầm, bạn cứ làm tốt ngành nghề ấy, bạn sẽ trau dồi 85% về năng lực chuyên môn, khi ra ngoài cơ hội của bạn sẽ khác", Tiến sĩ Khánh nhắn nhủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem