Chống cán bộ 'đào ngũ': Đi công tác nước ngoài phải đặt cọc

Lê Chiên (ghi) Thứ bảy, ngày 02/08/2014 15:41 PM (GMT+7)
Đây là ý kiến của Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Giám đốc Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự) như một giải pháp chống cán bộ 'đào ngũ' khi đi công tác nước ngoài.
Bình luận 0

Việc xử lý kỷ luật công chức được quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17.5.2011 của Chính phủ, nhưng không có quy định nào về hành vi cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài rồi bỏ trốn.

img Đã xuất hiện hiện tượng cán bộ đi công tác nước ngoài rồi không về nước.

 

Tuy nhiên tại khoản 4 của nghị định này quy định “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong 1 tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong 1 năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp” thì cán bộ công chức sẽ bị buộc thôi việc. Căn cứ vào đó, Bộ Công Thương ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, và bằng con đường ngoại giao, Bộ Công Thương có thể thông báo cho nước mà cán bộ công chức đó bỏ trốn về hành vi phạm này.

Trách nhiệm vật chất: Bộ Công Thương có quyền khởi kiện cán bộ công chức bỏ trốn đó ra tòa án nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bồi thường chi phí mà cơ quan đã bỏ ra cho chuyến công tác; ngoài ra còn có thể yêu cầu bồi thường về kinh phí đào tạo (nếu có).

Nhưng đó là về lý thuyết, bởi lẽ tòa có xử thì việc thi hành án cũng không khả thi. Mỗi cán bộ đi công tác nước ngoài trong khoảng 10 ngày, Nhà nước phải chi phí trung bình gần 10.000USD, số tiền đầu tư lớn như vậy, nhưng pháp luật lại chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của họ. Rõ ràng pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Để khắc phục, Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật với những quy định chặt chẽ với những thiết chế mang tính ràng buộc.

Nên chăng khi cử cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài cũng cần phải có tài sản đặt cọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem