Chống dịch virus corona: Vincommerce, Hapro, MM Mega Market ...cam kết thu mua nông sản

Thanh Phong Thứ ba, ngày 11/02/2020 17:07 PM (GMT+7)
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus corona, phía Trung Quốc tiếp tục lùi thời hạn thông quan, hàng nông sản ùn ứ có nguy cơ phải “quay đầu” tiêu thụ trong nước. Chiều 11/2, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp gấp với thành phần là các lãnh đạo bộ và đại diện một số doanh nghiệp cung ứng nhằm tìm giải pháp đối phó tình trạng trên.
Bình luận 0

Như thông tin Dân Việt đã đưa, mới đây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) vừa có công điện gửi Sở Ngoại vụ các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang cho biết, Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã trao đổi về việc khôi phục hoạt động trao đổi, giao thương của cư dân biên giới.

Cụ thể, theo ý kiến của Hải quan Nam Ninh, thời gian khôi phục sẽ phải lùi tới cuối tháng 2 thay vì ngày 10/2. Lý do, phía Hải quan Nam Ninh không đủ nhân sự vì nhiều cán bộ đang bị cách ly do dịch bệnh.

Sau đó, đại diện UBND một số tỉnh biên giới đã ra thông báo khuyến cáo các DN, địa phương có nông sản xuất khẩu không đưa thêm hàng lên biên giới và chủ động tìm cách tiêu thụ trong nước.

Trước tình trạng cấp bách trên, chiều 11/2, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tổ chức buổi họp gấp nhằm tìm giải pháp “gỡ khó” cho mặt hàng nông sản thời điểm hiện nay.

img

Đại diện DN ký cam kết thu mua, tiêu thụ nông sản với Sở Công Thương các tỉnh

Thành phần tham dự gồm có các đơn vị trực thuộc của Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu,… đại diện Sở Công Thương các tỉnh và các DN siêu thị, cung ứng mặt hàng nông sản.

Tại sự kiện, lần lượt Sở Công Thương các tỉnh báo cáo tình hình sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động tiêu thụ do các diễn biến dịch nCoV. Sau đó, đại diện DN và Sở Công Thương các tỉnh ký kết cam kết thu mua, tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai, hiện tại, lượng nông sản cần tiêu thụ trên địa bàn khá lớn (khoảng 85.000 tấn chuối cấy mô và 59.000 tấn xoài) nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện đóng giao dịch cửa khẩu biên giới, các sản phẩm nông sản của tỉnh sắp vào mùa vụ như chôm chôm, sầu riêng, mít,… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Do đó, ngoài các công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện, Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối tỉnh Đồng Nai với các đơn vị tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản của mình.”, bà Lan nói.

Không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai, đại diện của Sở Công Thương các tỉnh thành khác như Bắc Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang,… cũng nêu những khó khăn trong hoạt động tiêu thụ nông sản thời gian tới.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, việc kết nối hỗ trợ cho việc thu mua, tiêu thụ nông sản không chỉ đối với các sản phẩm cần ngay lập tức, phải có kế hoạch dài hạn trong trường hợp tình hình bệnh dịch kéo dài.

“Ví dụ như đối với quả vải, chúng ta phải tính trước, vì không chỉ ở Bắc Giang, còn có thể các địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên,… Nếu như đến thời điểm đó, dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, thị trường được giải tỏa thì rất tốt. Nhưng với tình huống xấu, chúng ta vẫn phải chủ động, không thể lúc nào cũng hô khẩu hiệu “giải cứu”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp đại diện một số DN siêu thị, cung ứng như Vincommerce, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), MM Mega Market,… thực hiện nghi thức ký cam kết tiêu thụ nông sản với đại diện Sở Công Thương các tỉnh trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Bộ Công Thương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem