Chủ chuỗi trường mầm non tư thục "méo mặt" vì cơ sở đóng cửa, mỗi tháng "cõng" hàng trăm triệu tiền thuê nhà

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 18/06/2021 06:05 AM (GMT+7)
Trường học đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều chủ cơ sở trường mầm non tư thục ở Hà Nội phải lo "gánh" chi phí thuê nhà, lo thiếu hụt giáo viên khi trẻ quay lại trường…
Bình luận 0

>> Bài trước: Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, giáo viên mầm non tư thục nghỉ việc về quê bán rau, buôn hoa quả

Chủ chuỗi trường mầm non tư thục "méo mặt" vì cơ sở đóng cửa

Suốt hơn 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Đỗ Hảo (chủ 3 cơ sở trường mầm non tư thục tại Hà Nội) vô cùng "đau đầu" mỗi khi phải đóng cửa các cơ sở để phòng dịch Covid-19. Cùng với đó 35 giáo viên, nhân viên tại những điểm trường mầm non này rơi vào cảnh thất nghiệp, không có lương, trợ cấp.

Chị Hảo kể, là chủ trường mầm non như chị, nhiều người hàng tháng phải lo khoản tiền lớn thuê nhà, tiền dịch vụ… Tuy nhiên, cả mấy tháng nay không có một nguồn thu vì trường đóng cửa.

Chủ chuỗi trường mầm non tư thục "méo mặt" vì cơ sở đóng cửa, mỗi tháng vẫn "cõng" hàng trăm triệu tiền thuê nhà - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở trường mầm non đóng cửa do dịch bệnh Covid-19, việc này khiến chủ cơ sở thêm gánh nặng khi mỗi tháng bỏ ra số tiền không ít thuê nhà.

"Dịch bệnh ảnh hưởng nên việc đóng cửa trường học là việc cần thiết. Chúng tôi luôn chấp hành theo chủ trương phòng chống dịch của thành phố, Chính phủ. Ai ai cũng mong muốn dịch bệnh sớm được dập tắt để mọi người có thể tiếp tục quay lại cuộc sống bình thường", chị Hảo nói.

Nữ chủ trường chia sẻ, nhiều giáo viên quá khổ khi phải thuê nhà, không có tiền lo cho con cái trong khi không có công việc. Các cô đều không biết bao giờ mới quay trở lại công việc của mình.

"Các cô trong khoảng thời gian qua thất nghiệp đã tìm đủ thứ nghề từ bán hàng online, bán rau, dọn nhà thuê… gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người gọi điện chia sẻ có công việc gì đó thì giới thiệu cho nhau. Nhiều giáo viên yêu nghề vẫn kiên nhẫn chờ đợi dịch bệnh sớm được ngăn chặn để có thể quay trở lại với công việc của mình. Tuy nhiên cũng có giáo viên đã xin nghỉ việc để tìm công việc khác vì không đủ khả năng trang trải cuộc sống", chị Hảo kể tiếp.

Chủ chuỗi trường mầm non tư thục "méo mặt" vì cơ sở đóng cửa, mỗi tháng vẫn "cõng" hàng trăm triệu tiền thuê nhà - Ảnh 2.

Hình ảnh một lớp học trường mầm non tư thục khi chưa có dịch.

Điều khiến chị Hảo cùng nhiều chủ trường "đau đầu" nhất lúc này đó là tiền thuê mặt bằng mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng cho 3 cơ sở. Cụ thể, tại cơ sở ở khu đô thị HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chị phải thuê với số tiền 40-50 triệu đồng/tháng, 1 cơ sở ở phường Mỗ Lao (quận Hà Đông) 90 triệu đồng, ngoài ra một cơ sở khác vài chục triệu đồng cách đó không xa.

"Có cơ sở tôi không được chủ cho thuê giảm chi phí trong khi dịch bệnh là bất khả kháng, bắt buộc phải đóng cửa, còn đang phải gồng mình chi trả tiền thuê nhà cửa lấy đâu ra tiền hỗ trợ cho giáo viên", chị Hảo nói.

Lo thiếu giáo viên khi trường mở cửa trở lại

Điều chị Hảo lo không kém đó là việc sắp tới thiếu giáo viên vì nhiều người xin nghỉ để tìm công việc phổ thông.

"Có cô nói với tôi rằng thà đi bán hàng online còn ổn định hơn đi làm giáo viên mầm non. Dịch bệnh các cô phải nghỉ liên tục không lương. Tôi phải rất vất vả để tìm giáo viên thay thế. Có trường đã giải thể vì học sinh chuyển sang trường công, học sinh tìm trường rẻ, phù hợp hơn khiến chủ đầu tư không có khả năng để chi trả tiền thuê cơ sở. Tôi mong muốn các giáo viên sắp tới sẽ được Chính phủ, thành phố quan tâm để những trường hợp khó khăn mất việc vì dịch Covid-19 nhận được hỗ trợ", chị Hảo nói thêm.

Chủ chuỗi trường mầm non tư thục "méo mặt" vì cơ sở đóng cửa, mỗi tháng vẫn "cõng" hàng trăm triệu tiền thuê nhà - Ảnh 3.

Một dãy trường mầm non phải đóng cửa vì dịch.

Cũng chia sẻ với PV Dân Việt, chị Trần Thu Hương, chủ Trường Mầm non tư thục T.L. (huyện Thanh Trì) cho biết, kể từ khi mở điểm trường tới nay 2 năm, chị "sống dở chết dở" gánh số tiền lớn thuê nhà.

Theo chị Hương, ngành giáo dục mầm non có đặc thù khi dịch bệnh sẽ là nơi đầu tiên phải đóng cửa phòng chống dịch và mở cửa sau cùng so với các hoạt động khác.

"Với chúng tôi, khó khăn lớn nhất đó là tiền thuê nhà. Tôi thuê nhà mỗi tháng mất 45 triệu đồng, dịch bệnh mà không được giảm một đồng. Khi đặt vấn đề giảm tiền thuê, chủ nhà không đồng ý. Họ bảo nếu không thuê sẽ cho người khác thuê. Mình đầu tư mất nhiều tiền, nếu không làm theo thì họ cũng chẳng cần nên mình phải bám trụ", chị Hương chia sẻ.

Nữ chủ trường này cũng cho hay, khó khăn thứ 2 đó là không thể lo được cho đội ngũ giáo viên. Nghỉ dịch đồng nghĩa với việc các cô sẽ không lương, không phụ cấp.

"Trong lúc này đến chủ trường như chúng tôi còn chết dở. Nếu tình trạng này cứ kéo dài không còn cách nào chắc tôi phải vay mượn để trang trải công việc. Nhiều cô cuộc sống khó khăn, kiếm việc làm thuê trong lúc dịch bệnh. Có người quen việc mới rồi họ sẽ không thiết tha với nghề dạy trẻ nữa. Có người bỏ luôn việc", chị Hương nói.

Không chỉ riêng chị Hương mà nhiều chủ trường tư thục đều mong muốn chủ cho thuê nhà san sẻ khó khăn giảm bớt tiền nhà trong giai đoạn dịch bệnh.

"Có được điều đó chúng tôi sẽ rất biết ơn. Bên cạnh đó cũng mong Chính phủ, Nhà nước cố gắng hỗ trợ giáo viên bớt khó khăn khi không có việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vốn dĩ nghề đã áp lực giờ dịch xoay xở khiến cuộc sống của không ít giáo viên gặp khốn khó", chị Hương nói.

Một người từng là chủ cơ sở mầm non tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết, chị này từng thuê mặt bằng tại đây mở trường. Song, chị dừng hoạt động trường mầm non để chuyển sang ngành nghề khác vì không thể bù lỗ được nữa.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.Hà Nội) cho hay, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề. Hiện trẻ em tại Hà Nội đang dừng việc đến trường phòng dịch bệnh.

Về vấn đề nhiều giáo viên xin nghỉ việc, thậm chí có trường "giải thể, dừng hoạt động" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Hương cho biết từ năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát đã tiếp nhận những thông tin này.

"Các cơ sở giáo dục mầm non bị ảnh hưởng, đó là điều mà các cấp quản lý, các cơ sở và các nhà đầu tư, trường công lập và ngoài công lập… đều không mong muốn", bà Hương chia sẻ.

"Mỗi cá nhân sống trong môi trường có dịch bệnh đều mong muốn dịch Covid-19 được đẩy lùi. Mọi việc trở lại hoạt động bình thường để mọi người vừa làm vừa học, vừa phát triển kinh tế.

Giờ mọi người chung tay để sao vừa phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa ủng hộ quyên góp theo lời kêu gọi để mua vắc xin, vừa thực hiện công tác chỉ đạo phòng dịch mạnh mẽ, quyết liệt.

Các cơ sở giáo dục nói chung, trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non mong được hoạt động trở lại, phụ huynh yên tâm công tác, các cô giáo được đi làm việc, được thực hiện công việc giáo dục của mình, được chăm sóc nuôi dưỡng các cháu. Hiện tại tất cả phải thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, Chính phủ khi trên địa bàn thành phố vẫn còn dịch bệnh", bà Hương nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem