Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong tuần vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 522 hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố; làm mắc bệnh và tiêu hủy 4.631 con lợn với trọng lượng 257.969kg. Một số địa phương phát sinh nhiều lợn mắc bệnh, tiêu hủy trong tuần: Ba Vì tiêu hủy 2.705 con, Chương Mỹ 323 con, Phúc Thọ 268 con, Mỹ Đức 264 con, Ứng Hòa 245 con lợn...
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn Hà Nội, đến nay đã có 30.373 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh (chiếm 37,6% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.336 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Dịch bệnh làm mắc bệnh và tiêu hủy 518.022 con lợn (chiếm 27,6% tổng đàn) với trọng lượng 35.483 tấn.
Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 67.917 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 tháng xảy ra dịch bệnh, đã có 248 xã, phường (chiếm 55% số xã, phường xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi) đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh...
Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển dần sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và gia súc ăn cỏ.
Ông Nguyễn Văn Sắc ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho hay, để phục vụ nguồn cung thịt gà vào các tháng cuối năm, trang trại của gia đình ông đã tăng tổng đàn lên 10.000 con. Nếu chăn nuôi phát triển thuận lợi, trang trại của gia đình ông sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt gà thả vườn vào dịp Tết năm nay.
Lo ngại dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ gia đình ở huyện Ba Vì đã chuyển sang nuôi gà thả vườn. Ảnh: N.Q
Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết, không riêng gia đình ông Nguyễn Văn Sắc, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở huyện Ba Vì lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang nuôi gà thả vườn. Trong đó, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ từ 100 đến 500 con, còn trang trại quy mô lớn nuôi từ 2.000 đến 10.000 con gà, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Không chỉ các hộ, gia trại tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, thay vì tập trung phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi và đối tượng vật nuôi.
"Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cuối năm, Công ty đã liên kết và đặt hàng các trang trại chăn nuôi lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, dự kiến cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 200 đến 300 tấn thịt lợn vào dịp cuối năm 2019"- Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) thông tin. |
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trong tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm. Để ổn định thị trường thực phẩm cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp, xây dựng phương án để đáp ứng đủ thực phẩm thay thế nguồn cung thịt lợn như: Thịt gà, bò, cá...
Về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tăng tổng đàn vật nuôi trong cơ cấu chăn nuôi gia cầm, trâu, bò... trong vùng quy hoạch để bảo đảm cân đối cung - cầu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm nhằm đưa ra thị trường những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ và giải quyết khâu tiêu thụ cho người dân.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết để có những giải pháp chăn nuôi phù hợp, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm 2019...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.