Thơ “điên”
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc Ninh, anh Thơ chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ từ những cơn gió nhẹ mang theo mùi đất, mùi nước, mùi phù sa, mùi rơm rạ thành màu nước đen ngòm vì ô nhiễm, mùi hôi thối thộc lên mũi từ những bãi rác quanh làng, núi nylon hay chai lọ hóa chất…
Khi mà nhiều ngôi làng ở Bắc Ninh được gọi là “làng ung thư”, nhiều người mang án tử do môi trường sống không đảm bảo, nhưng những bãi rác cứ ngày một lớn và các giải pháp chưa thể xử lý triệt để. Chàng trai trẻ vẫn luôn trăn trở: “Tôi phải làm gì đó có ý nghĩa để nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường”.
Anh Nguyễn Văn Thơ. Ảnh: H.N
"Vẻ đẹp mà sinh ra từ cái đẹp thì rất bình thường, nhưng cái đẹp được sinh ra từ nghịch cảnh, từ những cái bỏ đi mới là hoàn hảo”.
Anh Nguyễn Văn Thơ
|
Ban đầu, bạn bè và gia đình ngăn cản, có người gọi anh là Thơ “điên”, bởi anh đang có một công việc rất ổn định. Song, với nỗi niềm về môi trường ở quê đang dần bị hủy hoại, anh Thơ quyết định lên kế hoạch hành động thay vì hô những khẩu hiệu vô nghĩa. Anh Thơ chia sẻ ý tưởng xây dựng một quán cà phê mà mọi vật dụng đều được làm từ những thứ bỏ đi với một vài người bạn.
Hiện rác thải là thứ có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi, nhưng tận dụng rác như thế nào để biến nó thành những đồ vật có giá trị lại là một điều trăn trở đối với Thơ và những người bạn.
Nhớ về những tháng ngày rong ruổi đi thu gom rác, anh Thơ say sưa kể: “Chúng tôi bắt đầu rong ruổi khắp nơi, không ngại khó, ngại khổ hay ngại bẩn. Chúng tôi lục tung từ tiệm đồng nát này đến tiệm đồng nát khác, có lúc là cả bãi rác, khi Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, lúc Vĩnh Phúc, Phú Thọ để mua, nhặt, xin những thứ bỏ đi, mang về tự nghiên cứu, mày mò, sáng tạo rồi thiết kế tái chế thành đồ dùng cho quán cà phê”.
Anh Thơ say sưa kể về làng quê anh ngày trước, khi mà người dân đều tận dụng những đồ vật xung quanh nhà để tái sử dụng, đồ ăn như thịt, cá thì được xâu vào chiếc lạt tre để cầm cho dễ, cái gì khó thì được bọc vào lá khoai, lá chuối hay lá sen, tất cả đều từ thiên nhiên, và vì thế, lượng rác thải ra gần như bằng không. Đến chiếc ván quan tài của bà anh Thơ sau khi cải táng còn được tận dụng để làm cửa chuồng bò.
Anh Thơ luôn quan niệm: “Đến chiếc ván quan tài thôi còn tái chế được thì không gì là không thể tái chế”.
Viên ngọc tiềm ẩn
Đồ dùng trong quán cà phê của anh Thơ có 95% là đồ tái chế từ các chất liệu kim loại, gỗ, nhựa, thủy tinh, sành sứ, composite, 5% còn lại là những vật liệu thân thiện với môi trường.
Từ lời dạy của bà: "Đừng vội vứt thứ gì đi, mà con hãy xem xét thật kỹ, biết đâu con phát hiện ra những giá trị bất ngờ của nó", anh Thơ đã phát hiện được những "giá trị bất ngờ" ẩn trong đống rác thải kia. Anh đặt tên quán là Hidden Gem Coffee, có nghĩa là "Quán cà phê Viên ngọc tiềm ẩn".
Một góc quán Hidden Gem Coffee. Ảnh: H.N
Hiện Hidden Gem Coffee có 5 nhân viên là người khuyết tật (câm và điếc). Anh Thơ chia sẻ bản thân mình là người may mắn khi sinh ra được lành lặn, vậy thì mình cần phải chia sẻ sự may mắn của mình cho các bạn là người khuyết tật. Mặc dù việc giao tiếp với các bạn còn nhiều khó khăn, nhưng anh quyết tâm không từ bỏ, sẽ giúp đỡ các bạn đến cùng. Với anh Thơ: “Vẻ đẹp mà sinh ra từ cái đẹp thì rất bình thường, nhưng cái đẹp được sinh ra từ nghịch cảnh, từ những cái bỏ đi mới là hoàn hảo”.
Quán cà phê áp dụng khuyến mãi 20% một món đồ uống nếu khách hàng mang đến 5 chai nhựa loại 250-350ml. Theo anh Thơ: Việc thu gom rác không phải quá khó khăn, nhưng vì rác thải xung quanh quá nhiều, cần phải có giải pháp đánh vào tâm lý con người để công việc trở nên ý nghĩa, lan tỏa hơn. Nếu mình biết cách sử dụng, mình sẽ biến rác thành một nguồn tài nguyên chứ không phải vấn nạn của xã hội.
Song song với việc quản lý quán cà phê, anh Thơ cũng đang thực hiện các dự án giáo dục đối với một số trường mầm non, tiểu học bằng việc khuyến khích các bạn nhỏ thu gom chai nhựa và dạy cách tái chế thành những đồ dùng hữu ích. Mô hình này sẽ được anh Thơ thực hiện rộng rãi hơn trong thời gian tới nhằm thay đổi cách nhìn, cách giáo dục cho trẻ em về bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.