Giao rừng… trồng mía
Năm 2008, UBND huyện Cư Mgar đã giao 600ha rừng tại tiểu khu 564 cho 84 hộ dân ở thôn 20 xã Ea Mroh. Hiện trạng rừng tại thời điểm này gồm 146,8ha rừng bán trung bình, 81ha rừng khộp trung bình, còn lại là rừng khộp xen le. Thế nhưng thay vì bảo vệ, phát triển như cam kết ban đầu, người dân lại san ủi để trồng mía.
Thống kê sơ bộ của xã Ea Mroh, hiện đã có hơn 150ha được hơn 40 hộ tự… chuyển đổi. Tại hiện trường, nơi trên bản đồ được đánh dấu là rừng khộp ngút ngàn nay là những rẫy mía. Trong 600ha đã giao cho dân, toàn bộ diện tích rừng có địa hình bằng phẳng đã được "chuyển đổi" sang trồng mía, cà phê; xây chuồng trại nuôi gia súc, đào hồ thả cá…
|
Gỗ ở Ea Mroh chất đống bên ruộng mía. |
Những quả đồi thấp cũng đã được hạ bằng chuẩn bị cho vụ mới. Lác đác trên đồi cao, nương rẫy cũng đã xuất hiện. Để thuận tiện cho việc "chăm sóc, bảo vệ rừng", nhiều người đã dựng nhà ngay trong rừng, bỏ hàng chục triệu đồng ủi hẳn một con đường vào tận rừng rộng thênh thang. Bên những ruộng mía cao ngút đầu người, những khúc gỗ có đường kính từ 2- 5cm chất thành từng đống cao.
"Đại gia" hay người nghèo ?
Theo ông Trần Văn Tư - Chủ tịch UBND xã Ea Mroh, tất cả những việc làm trên của dân hầu hết chỉ bắt đầu từ năm 2011. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Kháng - cán bộ địa chính xã này thì khăng khăng: "Ngay sau khi nhận rừng, người dân đã bắt đầu chặt phá, rộ nhất là các năm 2009 - 2010". Khẳng định của ông Kháng hoàn toàn có cơ sở bởi ở đó thậm chí đã có những vườn cà phê chuẩn bị cho quả, gốc cây rừng bị đốn hạ đã sắp mục...
Về lý do mất rừng, ông Tư cho rằng vì đa phần người nhận rừng là dân nghèo, không có đất đai nên đã "tận dụng" rừng để phát triển kinh tế. Song theo quan sát của chúng tôi thì cách thức "chuyển đổi" rừng ở đây là cách làm của "đại gia": Ruộng được cày bằng máy, đường được mở bằng cơ giới với nguồn vốn bỏ ra không hề nhỏ.
Hơn nữa, thống kê của xã cho thấy, diện tích rừng bị phá trắng tập trung chủ yếu ở những hộ được giao diện tích trên 10ha. Một vài "nhân vật" cụ thể như: Ông Đinh Văn Hà phá trắng 28,7ha, hộ Y Tai Bya phá trắng 24,2ha, hộ Lương Văn Minh hơn 12ha, ông Hoàng Văn Páo hơn 17ha…
Ông Tư Thanh Quảng - một người dân sở tại cho rằng, việc giao đất, giao rừng có sự nhập nhằng khó hiểu. Có người chỉ được vài ha, có người lại lên đến hàng chục ha. Và việc bình xét để giao rừng cho dân cũng không được thực hiện công bằng. Cụ thể như bản thân ông, lẽ ra được nhận hơn 13ha, song sau 3 năm vẫn chưa nhận được 1m2 đất nào. Theo ông Quảng, chính sự nhập nhằng khó hiểu này là nguyên nhân mất rừng.
Theo ông Kháng, người thường xuyên kiểm tra việc quản lý bảo vệ rừng ở đây thì trách nhiệm phải thuộc về kiểm lâm địa bàn. Ông Kháng cho biết, suốt 3 năm qua, chính ông đã kiểm tra, báo cáo toàn bộ sự việc lên cấp trên, tuy nhiên tất cả các vụ việc đều không được xử lý.
Để làm rõ vụ phá rừng, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Cư Mgar và được chỉ sang Hạt Kiểm lâm huyện. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện hẹn gặp chúng tôi rồi... mất liên lạc. Cán bộ Hạt này cũng không dám "giải thích gì thêm" vì "không biết "xếp" ở đâu". Về phía tỉnh, Sở NNPTNT chỉ qua Chi cục Kiểm lâm. Chi cục Kiểm lâm thì: "Chờ huyện xử lý, báo cáo".
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.