Chủ tịch An Quý Hưng: Các công ty khác có nhiều nghìn tỷ gửi NH, Vinaconex có nhiều hơn rất nhiều

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 11/01/2019 16:17 PM (GMT+7)
“Các công ty khác có gì, có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng nhưng Vinaconex có nhiều hơn rất nhiều. Vinaconex có rất nhiều tài sản, có nhiều lĩnh vực đầu tư như Spendora và nhiều dự án khác nhưng cơ chế trước không phát huy hết được, về tay chúng tôi đồng lòng nhất trí sẽ phát triển rất nhiều”, ông Nguyễn Xuân Đông, chủ tịch công ty TNHH An Quý Hưng phát biểu tại đại hồi đồng cổ đông bất thường của Vinaconex
Bình luận 0

Đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (Mã CK: VCG) diễn ra sáng 11.1. Đại hội này được tổ chức sau khi Vinaconex có thay đổi trong cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, sau phiên đấu giá cổ phần cuối tháng 11.2018, Vinaconex có 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần, bao gồm An Quý Hưng (57,71%), Star Invest (7,57%) và một nhà đầu tư mua 21,3% cổ phần VCG từ Viettel là Công ty Bất động sản Cường Vũ - doanh nghiệp mới thành lập cuối năm 2017.

Trước đó một ngày (ngày 10.1), các thành viên HĐQT đương nhiệm (nhiệm kỳ 2017 – 2022) đồng loạt thông báo ý định từ chức vào ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường do đã hoàn thành xong nghĩa vụ người đại diện vốn Nhà nước.

Đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng giữ chức chủ tịch HĐQT

Tại ĐHCĐ bất thường hôm nay, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Nguyên Tổng giám đốc VCG đọc đơn xin từ nhiệm của 7 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Đức Chi, ông Đỗ Trọng Quỳnh, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Anh Tùng, ông Phạm Văn Hải, ông Lê Đăng Dũng, bà Nghiêm Phương Nhi.

Cùng với 7 thành viên HĐQT, 5 thành viên BKS cũng bày tỏ ý nguyện từ nhiệm gồm ông Đặng Thanh Tuấn, bà Kiều Bích Hoa, ông Vũ Hồng Tuấn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Bùi Anh Vũ.

Đại hội thông qua đơn từ nhiệm của các thành viên này.

img 

Ông Đào Ngọc Thanh trở thành tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex

Tại ĐHCĐ, hơn 418 triệu phiếu tham dự biểu quyết đã bầu ra 7 thành viên trúng cử HĐQT. Thay đổi lớn nhất là đại hội đã bầu ông Đào Ngọc Thanh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị (Ecopark) vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Sáng nay, ông Thanh được giới thiệu vào HĐQT Vinaconex với vai trò đại diện cổ đông An Quý Hưng.

Ngoài chức vụ Tổng giám đốc của Công ty Việt Hưng, ông Đào Ngọc Thanh cũng đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Contana (CSC), Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API).

HĐQT mới của Vinaconex còn có ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch HĐQT Công ty An Quý Hưng), ông Dương Văn Mậu (Phó tổng giám đốc Vinaconex), ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Bùi Tuấn Anh (Trợ lý Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Nguyễn Quang Trung là Phó tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà - Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Vinaconex có gì?

Tại ĐHCĐ bất thường Vinaconex, với tư cách là người đại diện cho nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng, ông Đào Ngọc Thanh phát biểu "Trong ngành xây dựng - bất động sản, tôi không phải là một nhân vật xa lạ. Bản thân giới truyền thông cũng viết nhiều về tôi, trên google các bạn gõ tên tôi sẽ thấy rất nhiều".

" Tôi là sinh viên xây dựng năm 1966, năm 71 đứng trên bục giảng xây dựng và 2004 thì làm CEO cho Ecopark. Tôi đến đây với tư cách đại diện nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng. Tôi không phải đại gia làm thương mại hay kinh doanh. Chúng tôi đại diện cho nhóm cổ đông, muốn tập hợp anh em lại để làm gì đó cho Vinacone”

Theo ông Thanh, không chỉ các cổ đông mà ngay bản thân ông cũng mong muốn đưa Vinaconex lên Top 3 trong ngành xây dựng, không có lý do gì mà ông và các cổ đông không mong muốn. Ông Thanh cũng khẳng định, việc Vinaconex muốn trở thành Top 3 doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thể. Đây cũng là điều khiến cho chúng ta phải suy nghĩ. 

“"Xin các cổ đông cứ yên tâm. Không phải nói một câu cửa miệng mà chúng ta thành top 3, top 4 thị trường. Chúng ta cần cố gắng rất nhiều. Chúng ta nhớ rằng Vinaconex là 1 thương hiệu tên tuổi không chỉ là xây lắp mà là công ty đa ngành đa nghề. Chúng tôi nung nấu câu hỏi cách gì, làm thế nào để thương hiệu Vinaconex được treo trên tất cả các tòa nhà.

Thế nhưng, nếu như tên tuổi của Vinaconex chỉ dừng lại là thương hiệu trên nóc các tòa nhà thì chúng ta đã quên đi 1 nửa trách nhiệm của mình. Chúng ta phải là những nhà đầu tư chứ không đơn thuần là 1 nhà thầu xây lắp"

“Chúng ta phải là chủ đầu tư của các khu đô thị lớn. Chúng ta phải xây dựng những khu đô thị kiểu mẫu tầm cỡ quốc tế. Chúng ta phải làm đa ngành, chọn lọc những gì gần gũi sát thực. Tôi nghĩ đây là điều chúng ta cần hướng đến", CEO Ecopark cho biết thêm.

img 

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch công ty TNHH An Quý Hưng, Tổng giám đốc Vinaconex

Cũng tại đại hội lần này, một cổ đông băn khoăn, vì sao Vinaconex là 1 doanh nghiệp lớn nhưng hơn 10 năm niêm yết VCG chưa đem lại lợi ích cho VCG như Vincom hay Novaland. Đến nay Vinaconex chỉ 4.400 tỷ như thế quá nhỏ so với tiềm năng của Vinaconex?

Giải đáp cho cổ đông, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch công ty TNHH An Quý Hưng cho rằng, đây là câu hỏi của rất nhiều người trong giới tài chính quan tâm đến cổ phiếu VCG.

Lý giải cho vấn đề này, theo ông Đông, trước đây Vinaconex thuộc sở hữu Nhà nước có nhiều điều không làm được. Đến nay toàn bộ cổ phần đã do tư nhân quản lý, quan điểm của cổ đông chúng tôi định hướng Vinaconex có 30 năm thương hiệu, nhưng vì cơ chế không phát triển đúng tầm.

“Vinaconex có rất nhiều tài sản, có nhiều lĩnh vực đầu tư như Spendora và nhiều dự án khác nhưng cơ chế trước không phát huy hết được, về tay chúng tôi đồng lòng nhất trí sẽ phát triển rất nhiều. Các mã khác 16 chấm sao Vinaconex có 2 chấm, các công ty khác có gì, có vài nghìn tỷ gửi ngân hàng nhưng Vinaconex có nhiều hơn rất nhiều. Chúng tôi có rất nhiều tài sản, nhiều nhà máy điện…”, ông Đông khẳng định.

Cũng phải nói thêm rằng, lĩnh vực đầu tư của Vinaconex sẽ là lĩnh vực then chốt để kiểm tiền, lĩnh vực xây dựng là trụ đỡ để làm bệ đỡ phát triển cho đầu tư của Vinaconex.

Câu trả lời của ông Đông có lẽ đã phần nào lý giải cho việc vì sao 1 cổ đông có vốn điều lệ chỉ 500 tỷ, lợi nhuận năm 2017 chưa đầy 100 tỷ nhưng đã huy động hơn 7.000 tỷ để trở thành cổ đông lớn của Vinaconex?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem