Bước ngoặt lịch sử
Theo CNN, cuộc gặp gỡ được diễn ra trong một phòng họp nhỏ bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, nhưng lại là khoảnh khắc được mong đợi không chỉ có ở Cuba mà còn cả ở khu vực Mỹ Latinh. Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh rằng: “Đây rõ ràng là một cuộc gặp lịch sử. Là thời gian để chúng tôi thử nghiệm điều gì đó mới mẻ. Mỹ và Cuba đang ở cùng một vị trí để di chuyển đến một con đường hướng tới tương lai”.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Obama tại cuộc gặp lịch sử ngày 12.4 (theo giờ Việt Nam). NYT
Ông Obama cho rằng: "Đây là cuộc nói chuyện thẳng thắn và có kết quả giữa tôi và ông Raul Castro. Chúng tôi đã có thể nói chuyện một cách ngay thẳng về những khác biệt và những mối quan ngại của chúng tôi theo cách mà tôi cho là sẽ đem lại khả năng đưa mối quan hệ giữa 2 nước chúng tôi đi theo một chiều hướng khác tốt đẹp hơn. Chúng tôi có quan điểm rất khác nhau về cách thức tổ chức xã hội. Và tôi đã nói rất thẳng với ông ấy rằng chúng tôi sẽ không ngừng đề cập đến các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tự do hội họp và tự do báo chí”.
Tổng thống Mỹ cũng đánh giá, cuộc gặp này là một “bước ngoặt” trong tiến trình 2 nước đang tìm cách khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao. Ông cũng nhấn mạnh: “Một phần thông điệp của tôi ở đây là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Mục đích của chúng tôi không phải là thay đổi chế độ ở Cuba. Cuba không phải là mối đe dọa đối với Mỹ”.
Chủ tịch Raul Castro cũng bày tỏ rằng, ông tin tưởng ông Obama và thừa nhận sẽ có trở ngại khó khăn, song những khác biệt có thể được khắc phục. Chủ tịch Cuba tái khẳng định mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt trong lịch sử quan hệ phức tạp giữa 2 bên, “nhưng chúng tôi đang sẵn sàng để tiến lên”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc mở đại sứ quán và thúc đẩy trao đổi giữa nhân dân 2 nước, cũng như “tất cả những gì mà 2 quốc gia láng giềng có thể làm”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Cuba cũng cho rằng quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sẽ đòi hỏi các bên phải “hết sức kiên nhẫn".
Kết thúc những tàn dư của Chiến tranh lạnh
Một trong những phát biểu gây ấn tượng nhất của Chủ tịch Raul Castro là ông nhận xét về người đồng cấp Mỹ rằng: “Theo đánh giá của cá nhân tôi, Tổng thống Obama là người trung thực”. Nhận định này được giới chuyên gia khá thích thú, họ cho rằng, đó là một trong dấu hiệu cho thấy hai phía đã có những nhận xét chân thành và đầy thiện chí.
Ngay sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều nhà lãnh đạo khu vực và báo chí đã lên tiếng ca ngợi cuộc tiếp xúc trực tiếp này.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff coi cuộc gặp thượng đỉnh Cuba-Mỹ là sự kết thúc những tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, đồng thời khẳng định quan điểm của Brazil là ủng hộ hoàn toàn tiến trình hình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Tổng thống Dilma Rousseff cũng cho rằng sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực, trong đó có cả các doanh nghiệp Brazil.
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã ca ngợi đất nước Cuba, rằng đây là đất nước đã chiến đấu kiên cường trước sự phong tỏa của Mỹ.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhiệt liệt hoan nghênh cuộc gặp gỡ lịch sử Cuba-Mỹ và đặc biệt là quyết tâm của cả 2 bên tiếp tục đối thoại tiến tới bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa 2 người bạn lớn của Mexico. Tổng thống Mexico cũng nhấn mạnh rằng, cuộc gặp lịch sử giữa Cuba-Mỹ đã nhắc nhở toàn thế giới rằng mở cửa đối thoại đồng nghĩa với tương lai và cơ hội phát triển.
Trong khi đó, báo chí khu vực Mỹ Latinh đưa tin, nhiều người Cuba đã hoan nghênh cuộc gặp giữa Chủ tịch Castro và Tổng thống Obama. Họ đã dừng mọi công việc để chứng kiến giờ phút 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau, nhưng tất cả hy vọng những gì diễn ra trong ngày 11.4 sẽ không đi vào quên lãng và phải biến thành kết quả, được thể hiện trong đời sống của nhân dân Cuba.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama đã kết thúc muộn hơn kế hoạch 5 giờ, vào sáng 12.4 (theo giờ Việt Nam), trong không khí vui mừng nhờ cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Cuba và Mỹ, cho dù hội nghị đã không đưa ra một tuyên bố chung nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.