Chủ tịch Đức Long Gia Lai: 'Tôi chỉ tạm thời thành công'

Thứ ba, ngày 15/03/2011 14:40 PM (GMT+7)
Từ một chỉ vàng và 170.000 đồng khởi nghiệp để rồi đứng thứ 39 trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán, Chủ tịch tập đoàn Đức Long Gia Lai Bùi Pháp vẫn nghĩ mình tạm thời thành công và còn rất nhiều việc phải làm.
Bình luận 0

Say mê thể thao, nổi tiếng là ông bầu đầu tiên sở hữu hai đội bóng chuyền Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Đức Long Gia Lai Bùi Pháp được nhiều người tặng cho biệt danh là "bầu Pháp". Với ông bầu này, việc kinh doanh trên thương trường hay đầu tư cho bóng chuyền chỉ là màn mở đầu của một trò chơi. Trong đó thắng hay thua đều liệt vào hàng thứ yếu, điều cần thiết là phải chơi đẹp và nỗ lực hết mình vươn đến đỉnh cao, luôn nuôi dưỡng khát khao chinh phục mọi thách thức.

img
Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Bùi Pháp, người xếp hạng thứ 39 trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010 do VnExpress.net thống kê bình chọn thường niên. Ảnh: Vũ Lê

Ở tuổi xấp xỉ ngũ tuần, ông nhìn lại những chặng đường đã qua như một chuyến phiêu lưu đầy màu sắc. Sinh ra tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là con út trong một gia đình nông dân nghèo khó, ông mồ côi cha lúc vừa tròn 3 tháng tuổi.

Đến năm 18 tuổi, vào thứ Sáu ngày 13.6.1979 chàng thanh niên Bùi Pháp thoát ly gia đình, rời quê hương tìm kế sinh nhai. Ngày ông ra đi, mẹ già bịn rịn dúi vào tay thằng út một chỉ vàng, còn các anh chị gom góp được 170.000 đồng để em có tiền phòng thân, làm vốn khởi nghiệp.

“Ngày ấy tôi chưa biết đi đâu, chỉ mong tìm một nghề để kiếm cơm chứ chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở thành doanh nhân”, ông chia sẻ.

Chọn Tây Nguyên làm đất hứa, những năm chập chững vào đời, ông Pháp học nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa nâng cấp xe vận tải, làm nhà xưởng. Khi được hỏi vì sao không ở lại cùng gia đình mà lại bôn ba đất khách, ông tâm sự: "Tôi sống ở phía Bắc tỉnh Bình Định, đất đai khô cằn, năm 1968-1972 bị bom đạn triền miên. Tuổi thơ tôi ngày núp hầm, đêm mới mò lên khỏi mặt đất. Hòa bình, đời sống rất khó khăn, tôi quyết dứt áo ra đi tìm tương lai". 

Chàng thanh niên trôi dạt về Gia Lai tìm đất lành lập nghiệp. Từ một người thợ, ông mày mò học hỏi, tìm tòi, kiên trì chờ cơ hội. Lăn lộn giữa chợ đời 16 năm, chắt chiu vốn liếng, kinh nghiệm, tháng 9.1995, ông Pháp thành lập Xí nghiệp Đức Long Gia Lai.

Người đàn ông này nhớ lại những tháng ngày đầu tiên ra làm chủ với nhiều cung bậc cảm xúc: "Thời đó khó khăn trăm bề, thiếu vốn, thiếu người, thiếu kinh nghiệm, lại chẳng có tiếng tăm, không ai biết tới, vấp ngã là chuyện thường. Thế nhưng sau những lần bị thương phải kiên cường đứng lên, mỗi ngày tôi đều tự mình đổi mới để thích ứng với hoàn cảnh".

Bắt đầu từ một xí nghiệp chế biến gỗ ở Gia Lai, với tính quyết đoán của mình, ông Pháp từng bước mở rộng ra nhiều ngành kinh doanh khác nhau dù vấp phải không ít sự phản đối. "Người thân lo tôi đầu tư tràn lan sẽ bị phân tán, quản không xuể nhưng tôi lại thấy thị trường đầy cơ hội, quyết mở rộng sang nhiều lĩnh vực", ông nói.

Song song với việc khai thác chế biến gỗ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, ông lấn sang chế biến đá granite, xây khách sạn - resort, kinh doanh bến xe bãi đỗ công cộng, dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ, trồng và chế biến cây cao su, khai thác - chế biến khoáng sản. Không dừng lại ở đó, ông chủ Đức Long Gia Lai còn đầu tư vào thủy điện, cơ sở hạ tầng, bất động sản. Riêng đối với giáo dục, ông đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Năm 2010 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ngần ngại đầu tư, thế nhưng ông Pháp vẫn đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhiều dự án: cao ốc Đức Long Tower, dự án thi công quốc lộ 14 theo hình thức BOT, thủy điện Tà Nung hòa vào lưới điện quốc gia, khách sạn Đức Long Dung Quất, Bến xe Bảo Lộc… Cũng trong năm này, ông được xếp vị trí thứ 39 trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam theo bình chọn thường niên của VnExpress.net. Gia định ông cũng được xếp vào vị trí 24 trong số 30 gia đình giàu nhất thị trường chứng khoán.

"Nhiều người nói tôi đang ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng tôi thấy ngược lại. Với tôi tất cả chỉ mới bắt đầu. Tính tôi rất lạ, nếu cuộc sống không có thử thách thì thấy thiếu thốn, kém vui. Kinh doanh mà không sáng tạo, đổi mới tôi ăn cơm chẳng ngon", ông Pháp chia sẻ.

Lãnh đạo Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho hay, trong cuộc đời ông, để tạo dựng sự nghiệp, ngoài gia đình (vợ con, người thân), ông chịu ơn rất lớn của 3 người. Đó là anh tài xế lái xe, ông bảo vệ và cô cấp dưỡng vì họ đã theo ông phục vụ 15 năm đằng đẵng. Với ông, chính những người cộng sự tận tụy, thầm lặng ấy đã tiếp thêm cho ông sự ổn định để đấu trí trên thương trường.

Không chỉ say mê đầu tư kinh doanh, ông Pháp còn đam mê thể thao cháy bỏng. Được tôi luyện từ lò thương trường Tây Nguyên, vùng đất có truyền thống hâm mộ bóng chuyền, ông Pháp cũng bị tiếng sét ái tình của môn thể thao này đánh gục. Từ năm 2005, vị doanh nhân này bỏ công tìm tòi, nghiên cứu, chuẩn bị các bước xây dựng đội bóng mang thương hiệu của riêng mình.

Năm 2008 giới thể thao bắt đầu biết đến một doanh nhân chơi ngông, thường xuyên tài trợ và mời những ngôi sao nước ngoài về đầu quân cho đội Đức Long Quân khu 5. Và sau đó, một đội bóng chuyền mang tên Đức Long Gia Lai tiếp tục được ra đời. "Bầu Pháp" bật mí, chi phí cho hai đội bóng chuyền không hề nhỏ, phí chuyển nhượng một cầu thủ bóng chuyền lên đến hàng tỷ đồng, chưa tính các khoản thỏa thuận riêng với cầu thủ.

Ông kể thêm, dù việc kinh doanh vô cùng bận rộn, ông vẫn tranh thủ thời gian lặn lội sang Trung Quốc, Thái Lan để săn lùng cầu thủ giỏi cho đội bóng. "Tôi không ngại thừa nhận mình đang dùng bóng chuyền để làm thương hiệu, nhưng trên hết, nếu không yêu nó chân thành, không tâm huyết, tôi không thể là ông bầu như hiện nay", ông chia sẻ.

Khi được hỏi vì sao không chọn bóng đá, môn thể thao vua, vị doanh nhân này tiết lộ, ông thích bóng chuyền hơn vì môn này chỉ có thắng hoặc thua, không có trường hợp hòa. Và rồi không giấu được nụ cười hào sảng, ông nói thêm: "Tôi yêu nó vì mỗi trận bóng chuyền đều là một trận chung kết, luôn máu lửa, quyết liệt, không thỏa hiệp, đúng như bản tính con người tôi".

Khi được hỏi về tình hình đầu tư kinh doanh năm 2011, Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai nhận định, năm nay sẽ tiếp tục là một năm khó khăn thứ tư tính từ năm 2008. Song ông quan niệm rằng, so với 3 năm Việt Nam đã gánh chịu từ ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thì những khắc nghiệt của năm 2011 không có gì là bất ngờ. Với ông Pháp, thời điểm tuy quan trọng nhưng sự chủ động trong từng chiến lược kinh doanh mới là yếu tố quyết định.

Hơn 30 năm lăn lộn chốn thương trường, trong 16 năm gầy dựng thương hiệu có đến 10 năm không ngủ trưa, mỗi ngày phải làm việc tối thiểu 12 giờ đồng hồ, thế nhưng ông chủ Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn giữ được ngọn lửa đam mê kinh doanh như thời trai trẻ. "Tôi luôn sẵn sàng cháy hết mình cho công việc vào bất cứ lúc nào. Càng sống tôi càng thấu hiểu rằng, phải đi thì mới đến được cánh cửa thành công", ông Pháp nói.

Ông Bùi Pháp giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Ông sở hữu cổ phiếu ở hai công ty: Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã cổ phiếu DLG), Công ty Đầu tư phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai (mã cổ phiếu DL1). Trong đó, DLG niêm yết ngày 22.6.2010 tại sàn TP HCM còn DL1 niêm yết ngày 10.3.2010 tại sàn Hà Nội. Ông đứng ở vị trí số 39 trong danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net thống kê, tổng hợp.
Theo VnExpress

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem