Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến: Vì sao doanh thu vạn tỷ nhưng vẫn nghèo?

Gia Linh Chủ nhật, ngày 07/04/2019 09:00 AM (GMT+7)
“3 cuộc cách mạng công nghiệp trước Việt Nam không tham gia, đến cuộc cách mạng 4.0, nếu lỡ chuyến tàu lần này, tôi nghĩ chúng ta khó có cơ hội bắt kịp thế giới. Các cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi quan trọng nhất là năng suất lao động, chìa khóa để Việt Nam thoát nghèo”, đó là chia sẻ của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến trong Diễn đàn CEO năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động".
Bình luận 0

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, FPT Software dù đi khắp nơi, có 15.000 - 16.000 người làm việc trên toàn cầu nhưng năng suất lao động chỉ bằng một nửa so với các công ty hàng đầu thế giới, điều đó lý do “vì sao Việt Nam vẫn nghèo”?

Doanh thu làm thuê gần vạn tỷ song vẫn nghèo

Theo ông Hoàng Nam Tiến, để có thể đuổi kịp khu vực, đối với doanh nghiệp năng suất lao động là vấn đề sống còn.

Chủ tịch FPT Software nhớ lại, cách đây 1 năm, Bộ trưởng Mạnh Hùng đặt câu hỏi, 20 năm FPT đi ra nước ngoài, vậy 10 năm tiếp theo FPT phải làm gì cho đất nước? "Sau đó, chúng tôi có những thay đổi rất lớn. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã xác định chúng ta phải làm những gì thế giới chưa làm hoặc đang làm nhưng chưa thành công", Chủ tịch FPT Software nói và thông tin.

img 

Chủ tịch Software Hoàng Nam Tiến tại Diễn đàn CEO năm 2019 - Ảnh: Quang Phúc

Cũng chính vì thế, thời gian qua, FPT đã tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để bắt tay chuyển đổi số. Riêng với FPT Software, doanh thu từ chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, tăng trưởng 80-100%/năm so với mức bình quân 30% của các lĩnh vực khác.

Vị doanh nhân ví FPT giống một con cá hồi, sinh ra ở sông suối, sau khi trưởng thành đi khắp năm châu bốn bể, khi sinh đẻ để quay về nơi đã sinh ra. FPT chính là con cá hồi đang trên hành trình đem những gì đã làm được trên thế giới mang về Việt Nam giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, cạnh tranh với thế giới.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, "3 cuộc cách mạng công nghiệp trước Việt Nam không tham gia, đến cuộc cách mạng 4.0 này nếu lỡ tàu thì chắc cũng không sao. Tuy nhiên, lỡ chuyến tàu lần này tôi nghĩ chúng ta khó có cơ hội bắt kịp thế giới. Các cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi quan trọng nhất là năng suất lao động. Cách mạng 4.0, chuyển đổi số là yếu tố quyết định năng suất lao động. Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4.000 USD/người/năm, đây là con số rất thấp so với khu vực. bằng 1/10 hay 1/15 các nước trong khu vực".

Tăng năng suất là chìa khóa thoát nghèo của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận, để tăng năng suất thì những cải tiến hàng ngày, nhân sự làm thêm giờ, chăm chỉ hơn không có tác động nhiều mà quan trọng là phải chuyển đổi số. Chuyển đổi từ những cái nhỏ nhất, ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhanh, cái gì làm quá 6 tháng không có kết quả thì bỏ đi, đừng làm vội.

"Chúng tôi đang có đội ngũ 100-120 người có năng suất lao động gấp đôi mức trung bình của những công ty hàng đầu thế giới nhưng số lượng còn quá nhỏ. Tuy nhỏ, nhưng là những lao động nhanh nhất, tiếp xúc những sáng tạo nhất trên giới sẽ là đầu tàu kéo số đông", anh Tiến cho hay.

img 

Phiên thảo luận Câu chuyện đổi mới, sáng tạo - từ thế giới đến Việt Nam - - Ảnh: Quang Phúc.

Thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã thành công và ghi dấu ấn tên tuổi của mình với bạn bè quốc tế, tiêu biểu như tập đoàn Viettel, tập đoàn FPT, Vingroup… Đó là những doanh nghiệp tiên phong trong công tác đổi mới, sáng tạo, đón bắt được cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, tạo nên thành công bằng sự sáng tạo và khác biệt trong mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó cũng chính là cách giúp Việt Nam thoát nghèo.

Còn nhớ tại diễn đàn CEO 2017, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, lúc đó là Tổng giám đốc của Tập đoàn Viettel, đã chia sẻ về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với một thông điệp mạnh mẽ. Thông điệp đó là: Cơ hội đến vì chúng ta quá nghèo vì mình chưa có cái trước, mình làm ngay cái mới thì rất thuận lợi. Đó chính là cơ hội cho Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, muốn tận dụng đươc cơ hội nay, điều quan trọng nhất là thể chế phải tạo ra cho đổi mới sáng tạo nảy nở.

"Đầu tiên tôi nghĩ là phải gỡ thể chế, từ đó tạo động lực buộc doanh nghiệp phải đổi sáng tạo. Một khi doanh nghiệp tìm kiếm thành công bằng đường khác hơn là đổi mới sáng tạo thì chúng ta nói vẫn cứ là nói. Cần hành động nhiều hơn, nhanh hơn. Với Chính phủ là nhanh hơn, với doanh nghiệp họ luôn luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển. Chúng ta đã hơi chậm, phải phá bỏ một số lĩnh vực. Chính phủ, các cơ quan phải hành động nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn", ông Cung nói.

Đồng quan điêm, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng muốn có nền kinh tế thông minh, phải có hệ thống thể chế thông minh.

Kinh tế số sẽ góp 1,3% GDP

Ở góc độ nhà quản lý, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp trong mọi thời kỳ. Từ thực tiễn kinh tế thế giới, thiếu sáng tạo doanh nghiệp sẽ lụi tàn. Như Nokia đầu tư rất nhiều, Chính phủ Phần Lan hỗ trợ tốt nhưng vẫn sụp đổ, Yahoo cũng đóng cửa. Khi thành công, ở trên đỉnh cao rồi vẫn phải sáng tạo.

Theo ông Duy, có nhiều cấp độ đổi mới sáng tạo, đầu tiên là đầu tư tiền bạc đổi mới dây chuyền sản xuất, làm sao để sản phẩm cạnh tranh được, tận dụng được nguồn nhân lực, tài nguyên nhưng nếu như vẫn không cạnh tranh được thì phải chuyển sang giai đoạn 2 hấp thụ công nghệ, tức là mua công nghệ về. Giai đoạn thứ 3 là khi không ai bán công nghệ cho nữa thì phải sáng tạo công nghệ. Dù doanh nghiệp nhỏ hay vừa, đầu tàu, sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp đều phải lựa chọn quy trình hợp lý.

img 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy

Vị này cho biết, Việt Nam có 4 nhóm doanh nghiệp, 96-98% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa không thể đầu tư vào giai đoạn sáng tạo công nghệ nên tập trung vào giai đoạn 1 và 2. Nhóm doanh nghiệp đầu đàn là Viettel, FPT có thể tập trung vào sáng tạo triển khai công nghệ. Nhóm startup, nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể bước ngay vào công nghệ mới của thế giới, trong đó khuyến khích startup có ý tưởng mới, lợi thế phát triển ngay không bị bộ máy cồng kềnh.

"Kinh tế số là một phần của kinh tế. Theo nghiên cứu của chúng tôi, kịch bản tốt nhất, dự báo, 2045, chuyển đổi số sẽ giúp tăng GDP 1,3%. Nếu kịch bản thấp hơn là là xuất khẩu số hay tiêu thụ số thì kịch bản thì kinh tế số chỉ góp 0,4-0,5% vào GDP", ông Duy nói.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu sáng tạo công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trên công nghệ mới nhất. Doanh nghiệp khoa học công nghệ, công nghệ cao có chính sách ưu đãi thuế phí riêng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem