Chủ tịch Hà Nội: Cắt điện, nước là cách tốt nhất để dừng thi công công trình vi phạm

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 11/06/2024 18:00 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị trao thẩm quyền cho Hà Nội xử lý cắt điện, nước đối với công trình vi phạm trong trường hợp các biện pháp khác không hiệu quả.
Bình luận 0

Chiều 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với bản đã trình Quốc hội. Một trong những điểm mới chính là biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Hà Nội: Cắt điện, nước là cách tốt nhất để dừng thi công công trình vi phạm- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Media Quốc hội

Trong dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất quy định trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép.

Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cũng bị đề xuất cắt điện, nước.

Dự thảo luật giao HĐND TP.Hà Nội quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Góp thêm ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói đề xuất này bắt nguồn từ bức xúc trong thực tiễn.

Chủ tịch Hà Nội: Cắt điện, nước là cách tốt nhất để dừng thi công công trình vi phạm- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Ảnh: Media Quốc hội

Khi xử lý một số khách sạn mini vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Thạch Thất, công an phải túc trực, không cho dân vào ở.

"Người dân đã vào ở thì rất khó xử lý", ông nói và giải thích các công trình này không nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, xây dựng cũng không đúng. Nếu cắt điện nước, chủ đầu tư không thể đưa dân vào.

Ông Thanh cho rằng việc cắt điện nước cũng nhằm xử lý trường hợp ý thức kém, coi thường mạng sống người khác thời gian qua. 

"Trong khu chung cư có một vài hộ cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của mình và người khác. Ví dụ đã nhắc nhở về việc đốt vàng mã, không dùng bếp than mà vẫn cố tình không tuân thủ, thì vì mạng sống của những người còn lại, chính quyền phải có một số quyền mạnh mẽ, không phải cắt điện nước toàn khu, mà chỉ với hộ vi phạm. Hoặc như cố tình xây nhà quá tầng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy… thì cách tốt nhất để dừng lại chỉ có cắt điện nước để không cho thi công nữa", ông Thanh nói.

Chủ tịch TP.Hà Nội kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền này cho Hà Nội để bảo vệ tính mạng người dân. Việc quyết định cắt điện nước được quy định rõ là thẩm quyền của chủ tịch xã, huyện và thành phố, không phải ai cũng được quyết. "Tinh thần là không có gì cao hơn mạng sống con người", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội: Cắt điện, nước là cách tốt nhất để dừng thi công công trình vi phạm- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng quy định này đã được cơ bản các đại biểu ủng hộ. Song ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là biện pháp xử lý hành chính hay biện pháp ngăn chặn.

Theo ông Định, nên gọi đây là các biện pháp ngăn chặn bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem