Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Việc thuê doanh nghiệp bưu chính công ích gặp khó

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 09/08/2022 15:15 PM (GMT+7)
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc thực hiện thuê doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số nội dung nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa chưa triển khai được do chưa có thông tư hướng dẫn về định mức, mức chi cho việc thực hiện nội dung này.
Bình luận 0

Ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh: Việc thuê doanh nghiệp bưu chính công ích của Hà Nội gặp khó - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các huyện, thị xã; xã, phường trong toàn quốc; với tổng số hơn 10.000 điểm cầu từ cấp xã đến Trung ương và hơn 130.700 đại biểu tham dự.

Hà Nội còn 4 dịch vụ công chưa hoàn thành

Phát biểu tham luận tại hội nghị tại điểm cầu TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau Hội nghị triển khai Đề án 06 của Chính phủ ngày 18/1/2022 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đề án quyết liệt; những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đã được UBND TP triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, được nhân dân Thủ đô ủng hộ và tin tưởng.

Những kết quả bước đầu đã khẳng định việc triển khai Đề án 06 là đúng đắn, góp phần tạo bước đột phá trong chuyển đổi số. Ông Thanh nhấn mạnh, trong 6 tháng triển khai thực hiện, TP.Hà Nội ban hành trên 40 văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên có các văn bản gửi các bộ, ngành kiến nghị các nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ban Chỉ đạo 06 Hà Nội tổ chức họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo Tổ công tác 06 Chính phủ. Tới nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 (gồm 30 Ban Chỉ đạo 06 cấp huyện, 579 Ban Chỉ đạo 06 cấp xã và 5.247 Tổ công tác 06 tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP) để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh "than" khó về việc thuê doanh nghiệp bưu chính công ích - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: HN

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội đã kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo quy định. Toàn TP.Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%). Hiện còn 4 dịch vụ công chưa hoàn thành.

Còn hệ thống dữ liệu, phần mềm chưa đảm bảo được yêu cầu về đồng bộ kết nối

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết, TP đang quyết liệt chỉ đạo triển khai, bám sát hướng dẫn và chỉ đạo của bộ, ngành chủ quản, đảm bảo triển khai xong trong tháng 8/2022. Đến nay, Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,6 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, cấp 35.630 CCCD gắn chíp kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh (sinh năm 2004 và 2007).

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội đang triển khai thực hiện cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip trên địa bàn Hà Nội (từ ngày 25/7/2022 đến ngày 25/8/2022), đảm bảo toàn bộ công dân trên địa bàn TP đủ điều kiện phải được cấp CCCD gắn chip.

TP.Hà Nội hiện cũng có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 26.210 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

TP tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong CSDLQG về dân cư: Đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%), thực hiện "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 (đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư, cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia)… 

Nêu một số khó khăn, vướng mắc, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng chủ yếu do hệ thống đường truyền thực hiện kết nối với CSDL các ngành còn vướng mắc do kỹ thuật kết nối chưa đồng bộ dẫn tới việc không thể kết nối hoặc kết nối chưa thực sự thông suốt. Một số bộ, ngành có hệ thống dữ liệu, phần mềm đã xây dựng từ lâu theo quy chuẩn kết nối cũ nên chưa đảm bảo được yêu cầu về đồng bộ kết nối.

Ngoài ra, việc thực hiện thuê doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số nội dung nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa theo quy định tại Nghị định 107/2021/NĐ-CP chưa triển khai được do chưa có thông tư hướng dẫn về định mức, mức chi cho việc thực hiện nội dung này.

"Trên cơ sở đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo, các bộ, ngành có rà soát để tạo điều kiện giải quyết hai khó khăn vướng mắc trên", ông Thanh nói và cho biết, trong thời gian tới TP.Hà Nội mong nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để thành phố tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đề án 06/Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem