Chủ tịch Hãng phim truyện Việt Nam bị tạm hoãn xuất cảnh: Hé lộ ông chủ thực sự phía sau của VFS
Ông Nguyễn Danh Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh: Hé lộ ông chủ phía sau của Hãng phim truyện Việt Nam
O.L
Chủ nhật, ngày 31/03/2024 16:08 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) vừa bị tạm hoãn xuất cảnh vì VFS nợ thuế. Hãng phim dù làm ăn lỗ chồng lỗ nhưng vẫn được Vivaso - một doanh nghiệp tay ngang nhắm tới và nắm tới 65% VFS. Vậy điều gì khiến Vivaso để mắt tới Hãng phim và ông chủ thật sự của VFS là ai?
Tạm hoãn xuất cảnh với Chủ tịch Hãng phim truyện Việt Nam (VFS)
Cục Thuế TP Hà Nội mới đây đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam). Ông Thắng cũng là đại diện theo pháp luật của đơn vị này.
Ông Nguyễn Danh Thắng bị tạm hoãn xuất cảnh do Hãng phim truyện Việt Nam nợ thuế. Trước đó, ngày 21/11/2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã có Quyết định số 81970 về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Hãng phim truyện Việt Nam.
Hãng phim truyện Việt Nam thành lập từ năm 1953, đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Danh Thắng (SN 1970). Ngành nghề chính của Công ty là sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Trụ sở chính của Công ty ở số 4 Thuỵ Khuê, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tại thay đổi vào ngày 23/6/2017, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tăng vốn điều lệ từ gần 21,9 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Được biết, từ năm 2010 khi không còn được "bao cấp", chuyển sang mô hình công ty TNHH, tình hình kinh doanh của Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng đi xuống. VFS rơi vào cảnh thua lỗ triền miên với con số lỗ lũy kế tính đến tháng 9/2014 là gần 40 tỷ đồng.
Trước tình trạng làm ăn thua lỗ, năm 2015, Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam nhận được yêu cầu về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Việc cổ phần hoá VFS được khởi động từ tháng 3/2016. Khi danh sách các đơn vị tham gia mua cổ phần được công bố, Vivaso đã nổi lên như một ẩn số, bởi đơn vị này hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim truyện. Ngày 14/4/2016, VFS tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần.
Theo kế hoạch cổ phần hóa, sau khi Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu, vốn điều lệ của VFS tăng lên 50 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần - tương đương 33 tỷ đồng thuộc về nhà đầu tư chiến lược Vivaso.
Sang năm 2017, hãng phim chính thức bước vào quá trình cổ phần hóa. Dữ liệu cho thấy, tháng 6/2017 vốn điều lệ của VFS tăng từ gần 21,9 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Đồng thời tại mức vốn 50 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm xuống còn 28,846%; các cổ đông còn lại nắm giữ 71,154% vốn của VFS.
Đến ngày 19/9/2018, Thanh Tra Chính phủ đã có Thông báo kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP về việc cổ phần hoá tại VFS.
Tại Kết luận này Thanh Tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm và vi phạm trong quá trình cổ phần hoá tại Công ty. Trong đó, đáng chú ý là những vi phạm trong việc sử dụng tại sản tại số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội). số 4 Thuỵ Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Công ty chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và chưa sử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Việc xây dựng phương án sử dụng đất: Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208,2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung và toàn bộ khu đất số 4 Thuỵ Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu.
Ông chủ thật sự của VFS và kịch bản thâu tóm "đất vàng"?
Thông tin trên Tuổi trẻ cho hay, Vụ Kế hoạch tài chính thông tin theo báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước tại VFS, tại ngày 1/6/2022, báo cáo tài chính cho thấy số lỗ lũy kế tính đến hết năm 2021 là hơn 47,5 tỷ đồng, trong đó số lỗ lũy kế tính từ ngày 23/6/2017 - thời điểm VFS chính thức chuyển sang cổ phần - đến hết năm 2021 là hơn 24 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn lại của VFS là gần 2,5 tỷ đồng.
Như ở trên đã nói, dù làm ăn thua lỗ nhưng điểm hấp dẫn tại VFS được cho là 4 khu đất vàng có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, bao gồm Khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám; số 4 Thụy Khuê tại Hà Nội và số 6, Thái Văn Lung, TP.HCM. Giá trị thị trường những lô đất này đều lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Và Vivaso trở thành ông chủ tại VFS chỉ với hơn 33 tỷ đồng để tóm gọn 65% vốn cổ phần tại hãng phim.
Được biết, tại thời điểm tháng 9/2017, Vivaso có vốn điều lệ hơn 320 tỷ đồng và Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này vào năm 2014.
Cụ thể, ngày 19/3/2014, Vivaso đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần (tương đương 46% vốn điều lệ). Tuy nhiên, Vivaso chỉ bán ra được hơn nửa triệu cổ phần, với mức đấu giá thành công là 10.000 đồng/cổ phần.
Số cổ phần còn lại một tuần sau phiên đấu giá đã được Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường xin mua hết toàn bộ với số tiền bỏ ra là 140 tỷ đồng. Dù rằng ông Nguyễn Thủy Nguyên - ông chủ Vạn Cường thời điểm ấy chia sẻ với báo chí: "Vận tải thủy nghèo, cổ phần bán không ai mua". Đến năm 2016, Vạn Cường tiếp tục mua lại toàn bộ 22,42% vốn nhà nước khi Bộ Giao thông Vận tải thoái với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng.
Như vậy, cổ đông lớn nhất của Vivaso là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường, sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso.
Theo tìm hiểu, Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường thành lập ngày 8/4/1992, đại diện kiêm Chủ tịch HĐ thành viên là ông Nguyễn Thuỷ Nguyên. Vạn Cường chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hạ tầng giao thông, xây dựng với vốn điều lệ 300 tỷ đồng và ông Nguyễn Thuỷ Nguyên nắm giữ tới 98,87% vốn tại đây.
Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã trở thành tân Chủ tịch Vivaso và được kế thừa nhiều khu đất vàng của Vivaso gồm các cảng sông lớn nhất miền Bắc như cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc...và trụ sở Vivaso tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội với diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét vuông đất tại đây có giá thị trường lên tới cả trăm triệu đồng.
Như vậy, đối với thương vụ thâu tóm VFS, thông qua Vivaso, ông chủ Vạn Cường trở thành cổ đông lớn nhất tại đây là nắm quyền chi phối hoạt động công ty. Đáng chú ý là nắm thêm quyền tại hàng loạt khu đất vàng với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng nói trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.