Chủ tịch HĐQT Hãng phim truyện VN nói gì về bức xúc của nghệ sĩ?

P.M.T (th) Thứ sáu, ngày 13/10/2017 07:30 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Danh Thắng cho rằng đạo diễn Quốc Tuấn đã chỉ mặt ông Thủy Nguyên và "gân gân mặt mũi" trong buổi họp 29.9.
Bình luận 0

Mới đây, sau khi vụ việc ông Nguyễn Thủy Nguyên gọi đạo diễn Quốc Tuấn là Chí Phèo khiến cho dư luận lên án, thậm chí nhiều cơ quan chức năng cũng phải lên tiếng về câu nói này. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Danh Thắng cũng đã có những trao đổi xung quanh vụ việc kể trên.

img

Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam.

Cũng là người có mặt trong buổi họp ngày 29.9, nơi xảy ra sự việc, ông Thắng cho biết ý kiến của mình về thông tin ông Nguyên cho rằng đạo diễn Quốc Tuấn dọa đánh mình. "Tôi ở đấy và cũng thấy anh Tuấn đứng dậy nói rất nặng lời, xúc phạm anh Nguyên, rằng ông không đủ tư cách làm lãnh đạo của tôi.

Đồng thời cũng có hành động chỉ mặt cũng rất nặng nề rồi chứ không phải chỉ nói mồm. Thực ra chưa xông lên thôi chứ còn cũng gân mặt gân mũi rồi". Ông Thắng cho biết. Như vậy, một lần nữa hành động "dọa đánh" của đạo diễn Quốc Tuấn theo ông Nguyên nói lại được một nhân chứng nữa cho rằng không có thật.

Khi được hỏi về việc liệu đặc thù của công việc, công ty ra qui định các nghệ sĩ phải có mặt 8 tiếng tại cơ quan có hợp lý hay không? Ngoài ra việc Hãng phim truyện Việt Nam đang có nhiều thiếu sót về mặt cơ sở vật chất, như vậy các nghệ sĩ lên cơ quan để làm gì? Ông Thắng cho hay: "Cái này là quy định Ban lãnh đạo công ty áp dụng dựa trên luật lao động để quản lý, chứ không phải thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Nếu cái quy định đó nằm ngoài luật quy định cơ, còn chúng tôi ở đây đang thực hiện theo đúng luật. Công ty nào cũng vậy thôi, các cán bộ công nhân viên phải làm 8 giờ/ ngày và 40 giờ/tuần".

img

Bức xúc vì đối lập quan điểm giữa Ban lãnh đạo Hãng phim truyện và anh em nghệ sĩ vẫn chưa có hồi kết.

Ông Thắng nói thêm: "Mọi người cứ nói đề tài sáng tác các thứ chứ thực chất cũng chỉ có 1 vài người làm việc thôi còn đa số là không làm việc. Họ làm việc ngoài là chính. Chứ có phải trước đây nhiều phim, mọi người đều làm việc đâu? Công ty nhà nước 2 năm trước đây cũng chẳng có phim nào. Thế nên không thể tất cả mọi người ở đó đều có việc được.

Bởi vì cơ chế nhà nước ngày xưa như thế, cứ có tên ở đấy là lĩnh lương. Và mọi người vẫn cứ đi làm ở nơi khác, thỉnh thoảng mới về công ty thôi. Bây giờ chúng tôi mới vào thôi, không thể một lúc mà chúng tôi bố trí được 10 bộ phim cho 10 đạo diễn làm việc được".

Những bức xúc của anh em nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm khi qui định chấm công bằng vân tay cùng với việc phải tới cơ quan 8 tiếng/ngày mặc dù đặc thù của công việc không cho phép. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Hãng phim cũng như anh em nghệ sĩ khó có thể tìm được tiếng nói chung trong công việc. Điều này được ông Thắng giải thích như sau: "Chúng tôi thì luôn luôn mềm mỏng. Chúng tôi đang phải giải quyết những tồn tại của cơ chế nhà nước cũ. Nhưng chúng tôi cũng phải đưa dần công ty vào hoạt động của một doanh nghiệp.

img

Nghệ sĩ chống đối không cho công ty lắp đặt máy chấm công bằng vân tay.

Thứ nhất không thể có chuyện một số người đi làm ở công ty khác lấy thu nhập, sau đó hàng tháng vẫn về nhận lương 100% của công ty. Chuyện đấy doanh nghiệp không thể bao cấp được. Nếu các nghệ sĩ đó không đi làm nơi nào, cứ đến công ty là chúng tôi trả tiền. Còn những người đã làm việc ở nơi khác rồi, mà đến với chúng tôi, thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện, tạo thời gian để làm việc.

Nhưng chúng ta phải thỏa thuận với nhau rằng chúng tôi không làm ở công ty, chúng tôi làm nơi khác, lúc nào có việc thì công ty gọi chúng tôi về, chúng tôi tiếp tục phục vụ cho công ty. Mục tiêu của chúng tôi là như thế. Chứ không thể có những người làm việc, những người không làm việc đến và cào bằng như nhau. Có người làm 8 tiếng, có người theo đoàn làm phim làm đến 10-12 tiếng chẳng hạn cũng chỉ hưởng lương bằng những người đi làm công ty khác xong hàng tháng về lĩnh lương. Chuyện nó đang bất cập như thế!".

Như vậy, vụ việc lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp bởi sự bất đồng về mặt quan điểm giữa Ban lãnh đạo và anh em nghệ sĩ trong hãng phim. Những câu phát ngôn của ông Nguyên sẽ vẫn còn đó, dù đúng hay sai thì dư luận cũng cho rằng chúng quá "thẳng và thật", liệu rằng với vai trò của một người quản lý văn hóa, với tính cách đó sẽ dìu dắt Hãng phim truyện Việt Nam đi về đâu?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem