Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này

Bình Minh Thứ tư, ngày 06/12/2023 14:11 PM (GMT+7)
Theo đại diện một số doanh nghiệp, sinh viên ngành nông nghiệp khi ra trường muốn có được công việc tốt, mức lương cao, đòi hỏi phải có: Thái độ - Kiến thức sâu - Kỹ năng mềm.
Bình luận 0

Ngày 6/12, tại Trường Đại học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam; đại diện các trường đào tạo trực thuộc Bộ NNPTNT và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đã chỉ rõ: Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tham quan các gian hàng các sản phẩm của ngành nông nghiệp của các trường trưng bày, giới thiệu. Ảnh: Bình Minh

Để triển khai các Nghị quyết của Trung ương và trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Bộ NNPTNT đã ban hành Nghị quyết số 37 ngày 8/5/2023 về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cầu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030". 

Trong đó, xác định các nhiệm vụ như: Khuyến khích, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu và sử dụng nhân lực chất lượng cao; tổ chức thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo báo cáo của 4 cơ sở đào tạo đại học, 28 trường cao đẳng trực thuộc, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 4.300 thoả thuận hơp tác được ký kết, trung bình mỗi trường, mỗi năm có khoảng 16 thoả thuận ký với doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó chủ yếu tập trung vào: hợp tác trong tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; hợp tác trong đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiêp; hợp tác trong cấp học bổng, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên; hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao KHKT; hợp tác trong xây dựng biên soạn giáo trình, chương trình đào tạo; hợp tác trong liên kết giảng dạy, trao đổi chuyên gia, giảng viên.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: ĐHTL

Việc hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực cho các trường bao gồm: giúp các trường có thêm nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; xây dựng uy tín, quảng bá hình ảnh và tăng cường công tác tuyển sinh; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, sở sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp phục giảng dạy; đa dạng hóa nguồn thu, giúp nâng cao khả năng tự chủ tài chính, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức; nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư duy thị trường cho đội ngũ giảng viên; nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.

"Những nỗ lực, kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 3.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của Học viên Nông nghiệp Việt Nam tại Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Bình Minh.

Sinh viên ngành nông nghiệp cần "3 điều"

Trong khuôn khổ Hội chợ, Bộ NNPTNT cũng tổ chức Tọa đàm giữa các trường, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý về kết nối cung cầu nhân lực, hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed cho khẳng định, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp. 

"Ngày 2/10 nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi vinh dự được tiếp kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Tại buổi tiếp kiến Chủ tịch nước cho biết các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam đều đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành nông nghiệp và nhấn mạnh đóng góp rất lớn của Việt Nam trong vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới", ông Báo chia sẻ và khẳng định "đất dụng võ" cho các sinh viên trong ngành nông nghiệp và các bạn trẻ vẫn còn rất lớn, từ đó đem lại vinh quang cho đất nước.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 4.

Trong khuôn khổ Hội chợ, Bộ NNPTNT cũng tổ chức Tọa đàm giữa các trường, doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý về kết nối cung cầu nhân lực, hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: ĐHTL

Để thu hút được các nhà tuyển dụng, với tư cách Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed, ông Báo cho rằng các bạn sinh viên hiện nay cần trang bị tốt 3 điều, đó là: Thái độ - Kiến thức sâu - Kỹ năng mềm. 

Theo ông Báo nếu có "thái độ" đúng, xác định được mục tiêu hướng đến là gì thì "việc gì cũng có thể làm được". "Đầu tiên tôi làm công nhân chăn nuôi lợn, sau đó làm tạp vụ cho một công ty vừa được thành lập chỉ có 20 người, không có tài sản gì, ngoài ngôi nhà làm việc mái ngói 5 gian. Sau 23 năm thì giờ đây tôi trở thành Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp hàng đầu về giống câu trồng Việt Nam", ông Báo chia sẻ.

Về kiến thức, theo ông Báo, làm trong ngành nghề nào cũng vậy phải hiểu thật sâu sắc nghề mình đang làm. Khi có kiến thức đầy đủ về nghề đó thì có thể tự tin để thực hiện công việc và chắc chắn thành công. "Tôi năm nay 74 tuổi nhưng ngày 28/4 vừa qua mới nhận bằng thạc sỹ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã từng được học 3 trường đại học ở Mỹ và châu Âu", ông Báo nói về việc học tập của mình.

Một thực tế được ông Báo chỉ ra, sinh viên khi ra trường đa phần đang thiếu, đó là "kỹ năng mềm". "Một anh kỹ sư mới ra trường đến gặp anh Trưởng phòng nông nghiệp mà mặt tái mét, chân tay run, không biết trình bày dự án, ý kiến của mình như thế nào", ông nói thực tế, đồng thời cho rằng, đối với các bạn trẻ khi mới ra trường cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, "cách bắt tay thế nào", "trò chuyện ra sao"... là một trong những yêu cầu rất quan trọng. Cũng theo ông Báo, sinh viên hiện nay phải thành thạo ngoại ngữ, tin học... 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Doveco cho rằng, thị trường lao động của ngành nông nghiệp đang rất rộng mở. Ngoài các doanh nghiệp về chế biến, sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, lực lượng HTX cần nhân lực rất lớn. 

Ông Tùng cho hay, đối với sinh viên mới ra trường "kỹ năng mềm" vẫn đang rất yếu và thiếu. "Chúng tôi là doanh nghiệp, không chỉ làm việc quanh 4 bức tường của nhà máy, chúng tôi liên kết, hỗ trợ, đồng hành với hàng nghìn HTX, hàng vạn nông dân. Tại Sơn La, Gia Lai, công ty chủ yếu liên kết với người dân là đồng báo dân tộc thiểu số, chính bởi vậy việc giao tiếp, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán canh tác, sản xuất rất cần thiết", ông Tùng nói.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 5.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và các đại biểu nhấn nút khai mạc Hội chợ việc làm kết nối cung cầu về đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: ĐHTL

Tập đoàn De Heus (Hà Lan) với hơn 80 nhà máy sản xuất ở 20 quốc gia trên thế giới, các sản phẩm được phân phối ở 70 quốc gia. Có mặt tại Việt Nam từ 2008, đến nay De Heus cũng đã có 17 nhà máy trên toàn quốc. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện Tập đoàn De Heus nói về khó khăn trong việc tuyển dụng: "Ở Việt Nam, gia đình thường định hướng về nghề nghiệp cho con cái mình, họ thướng hướng đến những nghề như ngân hàng, bác sĩ, các ngành kinh tế, bởi vậy, lượng sinh viên đăng ký trong ngành nông nghiệp giảm khá nhiều trong những năm qua".

"Vừa qua, tôi có hỏi con gái 6 tuổi của mình, lớn lên con muốn làm nghề gì thì cháu trả lời muốn làm TikToker", bà Thủy chia sẻ và cho rằng, một số các ngành đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa có được truyền thông và câu chuyện, truyền cảm hứng đến các bạn trẻ.

Cũng theo bà Thủy, khi chúng tôi nói chuyện với các bạn học trong ngành nông nghiệp đầu đâu đó vẫn có khoảng cách giữa chương trình học và yêu cầu mà doanh nghiệp đang cần. Khi tham gia làm việc với doanh nghiệp, thời gian đầu các bạn đó mất khá nhiều thời gian để làm quen và biết được những kỹ năng nào là cần thiết để áp dụng trong công việc.

Chủ tịch HĐQT Thaibinh Seed, Phó TGĐ Doveco nói sinh viên ra trường muốn có công việc tốt, mức lương cao cần 3 điều này - Ảnh 6.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: Thiều Trang

Ngoài ra, Tập đoàn De Heus là doanh nghiệp nước ngoài, 70% phải giao tiếp bằng tiếng anh, bởi vậy, luôn ưu tiên các bạn có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể giao tiết, viết email, sử dụng trong công việc hàng ngày, tuy nhiên, khi tuyển dụng, hạn chế của các bạn sinh viên vẫn là ngoại ngữ.

Bên cạnh khó khăn, theo bà Thủy, một trong những thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, đó là, Nhà nước đang quan tâm, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, có nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi làm việc với các trường đại học nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Ban giám hiệu, các thầy, cô giáo, từ đó có thể tiếp cận được sinh viên học đúng ngành và đúng kỹ năng chúng tôi đang tìm kiếm.

Ngoài ra, những năm gần đây các Trường cũng đã chủ động, cởi mở để cập nhật, đưa các giáo trình nâng cao, chương trình học bằng ngôn ngữ tiếng anh vào học, từ đó, sinh viên có thể tiếp cận được nhiều hơn với kiến thức ở bên ngoài. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để có những chương trình đào tạo, thực tập, định hướng cho các bạn sinh viên từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. 

 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem