Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dựa vào ý kiến của dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức

Thiên Phương Thứ ba, ngày 19/05/2020 14:00 PM (GMT+7)
Quan điểm huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những giai đoạn cách mạng trước. Nhớ lại những lời căn dặn của Người về vấn đề này, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hữu ích cho công việc hôm nay.
Bình luận 0

Nguy cơ tha hóa con người, tha hóa quyền lực

Khi trở thành đảng cầm quyền, sức hấp dẫn của quyền lực rất lớn và hậu quả của sự tha hoá của con người do quyền lực gây ra rất nguy hiểm với mỗi người đảng viên đảm nhiệm những vị trí quyền lực.

Gắn liền với những chức vị trong xã hội là những quyền lợi cá nhân dễ được lợi dụng để tạo ra - "quyền" bao giờ cũng gắn liền với "lợi" như trong từ ghép vẫn hay được nhắc đến (!). Danh hiệu cán bộ, đảng viên đi kèm với những chức tước, địa vị, với "quyền" và "lợi", đã trở thành công cụ để phất lên làm giàu nhanh chóng với các mánh khoé, thủ đoạn bất chính. Điều này tất yếu dẫn đến tệ "mua quan bán chức", tệ phe phái, bè cánh của những kẻ cơ hội giành giật nhau những địa vị "béo bở".

Công tác tổ chức cán bộ theo lối mòn cũ (cả về đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ) đã lộ rõ sự bất cập với những yêu cầu mới, không những thế còn gây nhiều tác hại, để lọt những kẻ cơ hội vào các tổ chức Đảng và chính quyền, "phấn đấu" giành được các vị trí lãnh đạo như những nấc thang để leo cao hơn, mỗi một chặng đường "phấn đấu" như một cuộc cạnh tranh đầu tư để thu "siêu lợi nhuận" một cách bất chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:  Dựa vào ý kiến của dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền. Ảnh tư liệu.

 Chúng ta cũng đã đề ra nhiều tiêu chuẩn để tuyển chọn những cán bộ có chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực, nhưng công tác đánh giá cán bộ chưa được tiến hành một cách chặt chẽ, chính xác, dẫn đến việc lọt và cũng chưa loại bỏ kịp thời những kẻ không đủ phẩm chất chui vào và nắm giữ những chức danh khá quan trọng. Ngược lại, những cán bộ tốt không được đặt đúng chỗ và không phát huy được hiệu quả năng lực của mình.

Dân thảo luận và giải quyết

Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối và bằng sự thuyết phục của mỗi cán bộ đảng viên khi gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong những nhiệm vụ cụ thể. Đến với nhân dân, mỗi người cán bộ cần có sự thuyết phục, có sức cảm hóa quần chúng bằng chính những phẩm chất đạo đức trong sáng và phong cách công tác giản dị, chan hòa của mình.

Theo chiều ngược lại, quần chúng nhân dân là người theo dõi, đánh giá sự đúng đắn, tính hiệu quả của đường lối qua những hoạt động lãnh đạo của cán bộ đảng viên. Nhân dân cũng là người góp ý, điều chỉnh những sai sót của người vận hành và sự vận hành bộ máy của chúng ta.

Trong dịp kỷ niệm thành lập Đảng 3/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Đây cũng có thể coi là những di huấn của Người về công tác rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên, trong đó Người chỉ rõ: "Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên".

Trước đó rất lâu, trong tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc" (10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu chủ trương: "Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết", "Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta" .

Để làm được điều đó, Đảng cần nâng cao hiểu biết của nhân dân về những quyền lợi của mình (có thể) bị xâm phạm bởi các cán bộ, đảng viên đã thoái hoá biến chất, tạo được dư luận xã hội lên án những hành vi và cá nhân sai phạm cũng như làm cho nhân dân nhận thức rõ về trách nhiệm của mình phải tố giác những sai phạm. Điều quan trọng là phải thay đổi được thái độ của nhân dân trước những biểu hiện tiêu cực, để nhân dân tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng trong việc xây dựng, chỉnh đốn mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:  Dựa vào ý kiến của dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức  - Ảnh 2.

Người đã tận hiến cả đời cho dân cho nước. Ảnh tư liệu.

Nếu từ những người dân bình thường đến những nhà doanh nghiệp có thói quen coi những bệnh tật tham nhũng, quan liêu, lãng phí... như những "điều xấu tất yếu" của bộ máy và có thói quen hy vọng đạt được những mục đích trong công việc của mình dựa vào việc hối lộ cho những quan chức có quyền ra quyết định thì mọi cuộc vận động chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều sẽ thất bại.

Cần công khai những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên, các cơ quan, những điều đảng viên không được phép làm để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát, đồng thời tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp của mình và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng - là đồng nghiệp trong cơ quan, nhân dân ở nơi cư trú - để nhân dân có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đạt được hiệu quả thực tế, tránh rơi vào hình thức, qua loa.

Một "kênh" khác có thể trợ giúp tốt cho việc huy động nhân dân tham gia "sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta" là sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua những hoạt động có trách nhiệm của các phóng viên và biên tập viên, các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng như một cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ.

Đây được coi là một lực cản khá lớn với các "bệnh tật" có thể phát sinh. Các nhà hoạt động chính trị và các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt những sở hữu chung cho cá nhân nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của mình khó có thể bị bóc trần trước công chúng và bị dư luận lên án.

Tất nhiên cần đề phòng những âm mưu lợi dụng dân chủ và tự do ngôn luận để thực hiện mục đích chống phá, gây rối loạn của những thế lực thù địch, những âm mưu lợi dụng diễn đàn tuyên truyền để "hạ bệ" nhau trong những cuộc tranh chấp quyền lực. "Giới hạn hợp lý" để bảo vệ những lợi ích chung và quyền tự do riêng tư của các cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng là điều cần thiết và phải được hoạch định bằng một tư duy sáng suốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem