Có 35 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 22 quốc gia

V.N Thứ ba, ngày 19/05/2020 13:48 PM (GMT+7)
Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông nhiều nước.
Bình luận 0

Năm 2020 là kỷ niệm 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài (2010-2020). Các hoạt động này được Ban Bí thư khởi xướng năm 2010 dựa trên cơ sở Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) năm 1987 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất".

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, 10 năm qua, hoạt động tôn vinh Bác Hồ được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ở cả góc độ vật thể và phi vật thể, dưới nhiều hình thức phong phú. Các hoạt động đó bao gồm các cuộc mít tinh, nói chuyện, tọa đàm, hội thảo khoa học nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Quốc Khánh Việt Nam và các sự kiện quan trọng khác của đất nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động tôn tạo và xây dựng mới tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển khai tại nhiều nước. Trước năm 2009, có 6 tượng Bác được đặt tại một số nước ở các châu: Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh. Sau 10 năm, đã có thêm 29 công trình mới, nâng số lượng tượng, tượng đài Bác ở nước ngoài lên 35 công trình tại 22 quốc gia.

Có 35 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 22 quốc gia - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt hoa tại tượng đài Bác Hồ ở thành phố Montreuil (Pháp) tháng 3/2019. Ảnh: TTXVN.

Tại các nơi Người đã từng sống và hoạt động, nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng đã được xây dựng, tu sửa. Hiện nay, 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài đã trở thành địa chỉ tham quan, thăm viếng của nhân dân địa phương, du khách quốc tế, địa điểm quen thuộc cho các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam.

Nhiều địa danh, thông tin mà Bác đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua cũng được đặt bia, gắn biển đồng. Nhiều quốc gia đã đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Bác.

Nhiều ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản, phát hành. Trong thời gian qua, các tác giả nước ngoài đã có gần 40 cuốn sách của về Người, phần lớn các cuốn sách giới thiệu về tiểu sử Bác, bản di chúc, tập thơ Nhật ký trong tù; hoặc xây dựng các bộ phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học mang tính quốc tế về Bác được tổ chức ở cả trong nước và nước ngoài. Gần đây nhất là Triển lãm và Hội thảo quốc tế tại Indonesia nhân kỷ niệm 60 năm Bác tới thăm Indonesia (từ 27/2-8/3/1959) và Tổng thống Sukarno tới thăm Việt Nam (từ 24-29/6/1959).

Các hình thức mang tính nghệ thuật, sáng tạo về Bác cũng được triển khai tại nhiều nước với nhiều sự đổi mới, sáng tạo, như  xây dựng các Góc, Không gian Hồ Chí Minh tại các thư viện, trường học để trưng bày các tài liệu ấn phẩm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác cũng như giới thiệu về Việt Nam; tổ chức các đêm thơ, đêm ca nhạc; sáng tác thơ, bài hát, phim, phát hành tem...

Nghị quyết của UNESCO năm 1987 khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã "cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"; đã có "đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật".

Nghị quyết ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem