Cây đặc sản cho doanh thu trăm tỷ đồng
Báo cáo tính hình với đoàn kiểm tra, ông Đinh Hữu Học - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, Chi Lăng đã biết cách khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế vườn, đồi, rừng, phát triển cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (trái) thăm vườn trồng cây đặc sản của nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Ảnh: Trần Quang
Sắp diễn ra ngày hội na Chi Lăng 2018
Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn, ngày hội Na Chi Lăng năm nay dự kiến tổ chức trong 2 ngày 15-16.8 tới tại Trung tâm Giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng, với 40 gian hàng tham gia. Theo đó, ngày hội Na Chi Lăng năm nay sẽ mở rộng phạm vi tổ chức ở 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, bao gồm các hoạt động: tổ chức phát động sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các vườn mẫu sản xuất na an toàn; xây dựng tư liệu giới thiệu về sản phẩm na Chi Lăng...
|
Đến nay, Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng na đặc sản tại được trồng chủ yếu ở 8 xã và thị trấn gồm: Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, Quang Lang, xã Mai Sao, Y Tịch, Thượng Cường và Hòa Bình với diện tích trên 1.500ha, sản lượng hàng năm ước đạt 15.000 tấn, giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng/năm.
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu na Chi Lăng, đồng thời được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập công nhận na Chi Lăng vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Ngày 29.7.2017, na Chi Lăng đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh trong top 150 sản phẩm đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”.
Theo ông Học, để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả na của địa phương, những năm qua, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc na và định hướng nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Đặc biệt, từ năm 2014, huyện đã vận động, hỗ trợ nhân dân sản xuất na an toàn theo quy trình VietGAP và được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Đến nay toàn huyện đã có gần 1.000ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn. Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công hơn 86,96ha na theo tiêu chuẩn VietGAP và 5ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Theo ông Học, bên cạnh phát triển cây na, huyện Chi Lăng còn xây dựng thành công nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho doanh thu cao như mô hình trồng, chế biến tinh dầu hồi xuất khẩu cho doanh thu 50 tỷ đồng/năm; nghề trồng thuốc lá cho thu 100 tỷ đồng/năm...
Kết hợp du lịch nhà vườn và du lịch di tích lịch sử
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã trực tiếp vào tận các vườn na để trao đổi công việc cán bộ và bà con nông dân Chi Lăng. Ông Mã Văn Lét - một chủ hộ dân trồng na điển hình ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, rất phấn khởi khi thông tin với đoàn: Nhờ việc phát triển diện tích 1ha na, mỗi năm gia đình ông thu được 10 tấn quả/2 vụ, giá bán trung bình trên dưới 30.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm vợ chồng ông thu hàng trăm triệu đồng từ na.
Nghe ông Lét nói vậy, đồng chí Thào Xuân Sùng đã khen ngợi và biểu dương thành tích mà ông cùng nông dân Chi Lăng đã đạt được trong thời gian vừa qua. "Nông dân Chi Lăng không chỉ rất kiên cường, anh hùng trong chiến tranh mà còn rất sáng tạo, mạnh bạo trong mặt trận kinh tế thời kỳ đổi mới, bà con đã làm ra sản phẩm đặc sản ngon tuyệt vang danh cả nước và quốc tế. Mong rằng, trong thời gian tới, nông dân Chi Lăng tiếp tục phát huy và sản xuất giới hơn làm ra sản phẩm nhiều và chất lượng tốt hơn nữa để nâng cao thu nhập” - Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, Chi Lăng là vùng có thổ nhưỡng rất thích hợp với cây na, chính vì thế mà địa phương nên biết dựa vào thế mạnh của mình để phát triển cây đặc sản này để nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn nhất thế giới nên bà con Chi Lăng chỉ cần chú trọng làm ra được sản phẩm ngon thì không lo đầu ra.
Gợi mở thêm hướng đi cho nông dân và chính quyền huyện Chi Lăng trong việc phát triển cây na trong thời gian tới, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng: “Để nâng cao thu nhập cho nông dân, chính quyền địa phương cần phát triển hiệu quả cây đặc sản, bên cạnh việc phát triển cây na truyền thống, chính quyền cần đẩy mạnh việc phục tráng cây đặc sản này và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là việc ghép na Thái (giống na Thái Lan) vào na truyền thống để nâng cao năng suất và chất lượng dần hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, địa phương cần xây dựng đề án phát triển du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch di tích lịch sử, vừa giúp tăng thu nhập cho người dân vừa giúp quảng bá hiệu quả cho sản phẩm đặc sản của mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.