Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng bày mẹo chống rét cho trâu bò

Trần Quang Thứ năm, ngày 01/02/2018 12:05 PM (GMT+7)
Trâu, bò là tài sản rất quý giá đối với người dân vùng cao nên chính quyền và người dân phải luôn đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc các loài vật nuôi này. Nhất là vào những ngày rét buốt, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục và khắc nhiệt như hiện nay thì việc chăm lo cho đàn "cơ nghiệp" luôn khỏe mạnh, an toàn để chuẩn bị cho mùa vụ mới lại càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Bình luận 0

Nông dân vùng cao khẩn trương phòng, chống rét cho đàn gia súc.

Trong chuyến thăm và tặng quà, chúc Tết bà con hộ nghèo tại các xã của huyện Thông Nông (Cao Bằng) từ ngày 29 và 30.1, đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam Thào Xuân Sùng dẫn đầu đã vượt núi, đồi vào tận bản, làng để đến với đồng bào.

Làm chuồng đúng kỹ thuật mới bảo đảm an toàn cho đàn gia súc

Bên cạnh việc thăm hỏi bà con, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng còn đặc biệt chú ý đến công việc sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trâu, bò của đồng bào các dân tộc ở Thông Nông. Khi đến thăm một chuồng trại của một hộ dân ở xã Vị Quang, qua quan sát cách thiết kế chuồng trại và để ý thấy đàn trâu của gia đình này đang đứng trên bùn phân lầy lội, các con trâu, nghé gầy gò. Chủ tịch Thào Xuân Sùng lắc đầu và tỏ ra rất buồn, đau xót.

"Làm chuồng trâu rõ to, đẹp mà thiết kế không thoai thoải, để phân thải ra hố mà lại ngược về chỗ máng ăn cỏ là rất nguy hiểm. Làm chuồng như thế này là giết trâu, bò rồi, cả cơ nghiệp, tài sản lớn mà để bà con làm thế này thì sao đàn trâu béo khỏe được". 

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN thăm chuồng nuôi, nhốt trâu của một gia đình ở xã Vị Quang, huyện Thông Nông (Cao Bằng). Ảnh: Trần Quang

Vừa quan sát, Chủ tịch Thào Xuân Sùng với nói chuyện với các thành viên trong đoàn công tác và lãnh đạo huyện Thông Nông: "Bản chất làm chuồng nuôi trâu là không để chân trâu bị ướt, không bị cước chân và để chúng nằm giữ ấm vào mùa đông. Nếu thiết kế chuồng theo kiểu này thì khi mưa, rét phân thải của trâu sẽ chảy ngược về phía hai tai trâu, trong khi đúng ra phân thải phải chảy về phía hai chân để ra hố chứa, như thế là cách làm phản khoa học, sẽ làm hại đàn gia súc".

"Để giúp dân giữ con của, các đồng chí cán bộ, lãnh đạo xã và huyện Thông Nông phải làm rất tỉ mỉ và chu đáo. Hiện chúng ta đang có chủ trương và đã tuyên truyền đến bà con là di chuyển trâu, bò ra khỏi sàn nhà và bà con người dân tộc Mông, Dao, Tày cũng đã làm theo nhưng những người tổ chức thực hiện, các cán bộ kỹ thuật cũng phải có hướng dẫn bà con cẩn thận thì mới thành công được" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nói.

Vừa nói, Chủ tịch Thào Xuân Sùng vừa dẫn chứng thêm chuyện về gia đình mình trước kia. "Gia đình tôi thời gian trước cũng có em trai làm bí thư chi bộ thôn, khi làm chuồng nuôi hơn 50 con bò và 20 trâu lại sai thiết kế dẫn đến đàn trâu, bò lúc nào cũng phải chịu đứng trên phân thải lầy lội. Khi về thăm nhà thấy vậy, tôi đã thả hết đàn trâu, bò ra và bắt em làm lại chuồng để làm gương cho bà con trong thôn. Khi làm tôi hướng dẫn em trai thiết kế chuồng làm hai nấc, một nấc chuồng cao hơn để cho trâu, bò ăn cỏ và một nấc thấp hơn để trâu thải phân xuống đó, về sau đàn trâu, bò của gia đình luôn khỏe mạnh và phát triển rất tốt" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhớ lại.

Cũng theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, để nuôi được gia súc, nhất là trâu thì bà con phải hiểu chúng, khi trâu thải phân, chúng không thải bừa bãi mà luôn thải theo tọa độ (nghĩa là đúng chỗ chúng hay thải, không thải linh tinh, khắp nơi). 

"Bà con cứ để ý khi chúng ta thả trâu đi ăn, chúng phải đi đến tọa độ đó chúng thải phân chứ chúng không thải khắp đường như một số loài khác. Thả bên ngoài là như vậy nhưng khi ta nhốt chung chuồng thì chúng cũng phải thải phân theo thiết kế của chúng ta, do đó cán bộ làm công tác kỹ thuật, khuyết nông cũng phải có kiến thức và am hiểu về chăn nuôi, thú y thì mới giúp dân làm chuồng đúng được" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng khẳng định.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng căn dặn bà con Vị Quang, khi điều kiện sản xuất còn thiếu thốn, con trâu vẫn là công cụ lao động hữu hiệu và là tài sản vô giá của bà con, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng cao nên trong chăn nuôi mọi người cần chú ý công tác làm chuồng, chăm sóc và cho trâu ăn cẩn thận, bảo đảm "đầu cơ nghiệp" luôn khỏe thì trâu mới cày được nhiều ruộng, làm ra nhiều sản phẩm giúp bà con thoát nghèo nhanh.

Để đảm bảo cho đàn gia súc an toàn trong mùa đông, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cũng khuyên bà con nên chủ động dự trữ nhiều rơm, cỏ khô và che chăn giữ ấm cho đàn trâu.

"Bà con lưu ý khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, tuyệt đối không thả trâu, bò đi ăn mà nên nhốt chuồng, có nền cỏ, rơm rạ ấm đế trâu nằm và cho trâu ăn đầy đủ. Đặc biệt, cán bộ, lãnh đạo các địa phương phải luôn theo sát hướng dẫn và giúp dân chăm lo cho đàn gia súc của bà con luôn khỏe để chuẩn bị sức kéo, sức cày cho mùa vụ mới sắp tới" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng khuyến cáo.

Nông dân khẩn trương phòng, chống rét cho gia súc

img

 Bà Xay, nông dân ở xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đang khẩn trương phòng, chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Trần Quang

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, vào những ngày này tại các huyện, tỉnh vùng cao nhiệt độ xuống rất thấp, có nơi lạnh sâu, chỉ trên dưới 1 độ C. Để hạn chế thiệt hại, bà con tại các bản, làng tại 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang đang khẩn trương chống rét cho đàn gia súc. 

Hồi tháng 1 năm ngoái, do thời tiết khắc nghiệt đã khiến 2 con trâu của gia đình bà Sùng Thị Xay ở Xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, Hà Giang bị chết. Lo lắng thiệt hại lại có thể xảy ra nên 2 ngày nay, bà  Xay đã nhốt trâu bò ở nhà, đồng thời che chắn cẩn thận cho đàn trâu, bò bởi nhiệt độ ngoài trời đang xuống rất thấp.

"Giờ sợ lắm rồi, không muốn trâu, bò bị chết nên tôi đã cho gia súc ở chuồng ăn no và đốt lửa sưởi ấm cho chúng rồi" - bà Xay nói.

Ông Phan Thông Quyết - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Hà Giang cho biết, toàn xã Nghĩa Thuận hiện có hơn 2.000 con gia súc. Để giảm thiệt hại, chính quyền địa phương đã vận động bà con không chăn thả trong những ngày lạnh sâu. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống nhà dân để tuyên truyền và hướng dẫn bà con chăm sóc, giữ ấm cho đàn gia súc.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Thào Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang cho hay: Do chủ động trong công tác phòng chống rét cho súc nên đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Giang ghi nhận số trâu bò bị chết rét giảm rất nhiều so với mọi năm.

"Dự báo trong 3 ngày tới, nhiệt độ tiếp tục giảm sâu, vì vậy tỉnh Hà Giang đã có công văn khẩn gửi các địa phương chủ động phòng, chống rét và bảo vệ cho đàn gia súc, nếu có hiện tượng trâu, bò chết rét vì chủ quan thì hộ gia đình đó sẽ không được nhận hỗ trợ thiệt hại của nhà nước" - ông Sơn khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem