Nhiều điểm sáng ở xứ Lạng
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ngày 17.7. Ảnh: Trần Quang
"Mọi lĩnh vực từ sản xuất, kinh tế - xã hội của Lạng Sơn đã thay đổi rõ rệt, bộ mặt nông thôn đổi mới khang trang hơn trước và đặc biệt là đời sống, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,8 triệu đồng/người/năm, là một kết quả đáng tự hào khiến không ít tỉnh miền núi phải ghen tị".
Chủ tịch Hội ND Việt Nam
Thào Xuân Sùng
|
Về phát triển sản xuất, công nghệ, dịch vụ nông thôn, tốc độ gia tăng giá trị bình quân ngành nông, lâm, nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt 4,56%, giai đoạn 2011-2015 đạt 2,95% giai đoạn 2016-2017 đạt 3,23% (mục tiêu tăng 3,5-4%); tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp trong cơ cấu GRDP chung toàn tỉnh đạt năm 2017 chiếm 21,7% (mục tiêu 2020 còn 18-19%)...
Lĩnh vực trồng trọt đã tạo được bước chuyển biến khá tích cực về cơ cấu mùa vụ và cây trồng. Đến nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng gấp 1,96 lần so với năm 2008; giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha tăng gấp 2,25 lần so với năm 2008 (tăng từ 26,3 triệu đồng/ha/năm lên 58,29 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đã hình thành tương đối rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng na ở Chi Lăng, Hữu Lũng rộng 3.000ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn, cho thu nhập trên 800 triệu hay mô hình sản xuất và chế biến tinh dầu hồi xuất khẩu cho thu nhập trên 50 tỷ đồng/năm...
Lĩnh vực chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực về cơ cấu giống, cơ cấu đàn, do đó giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 1,84 lần so với năm 2008, trong đó xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như HTX Hợp Thịnh quy mô trên 650 con lợn nái sinh sản, ước đạt cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm...
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện và đồng bộ, đã tạo được những chuyển biến rõ nét. Đến nay toàn tỉnh có 36 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân 1 xã đạt 8,65 tiêu chí (tăng 6,08 tiêu chí so với 2011). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Lạng Sơn đạt 18,8 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm...
Bà Lâm Thị Phương Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho rằng: Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn đặt ra các mục tiêu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp tăng 3,5-4 lần; giá trị sản phẩm thu trên 1 đơn vị diện tích canh tác trồng trọt tăng 2-2,5 lần; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50-55 triệu đồng, tăng 2,5-3 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng phấn đấu đến năm 2030 có 145 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 70,05%); mỗi huyện, thành phố có từ 2-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
"Nhằm đảm bảo việc giảm nghèo bền vững, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, các chính sách hỗ trợ tạo động lực tích cực để thúc đẩy phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tăng mức vốn vay tín dụng ưu đãi" - bà Thanh đề nghị.
Cần chú ý đến tăng trưởng xanh
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng thăm mô hình trồng na, bưởi cho thu nhập cao ở Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: T.Q
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, thay mặt đoàn kiểm tra, đồng chí Thào Xuân Sùng đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Lạng Sơn đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. "Sau 2 ngày (ngày 16 và 17.7) kiểm tra thực tiễn cơ sở và làm việc với chính quyền địa phương, các thành viên của đoàn thấy rằng mọi mặt, mọi lĩnh vực từ sản xuất, kinh tế xã hội của Lạng Sơn đã thực sự thay đổi rõ rệt, bộ mặt nông thôn đổi mới khang trang hơn trước và đặc biệt là đời sống, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 18,8 triệu đồng/người/năm, cho thấy là một kết quả đáng mừng, đáng tự hào khiến không ít tỉnh miền núi phải ghen tị" - Chủ tịch Hội ND Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, về xây dựng NTM, trong những năm qua Lạng Sơn đã tập trung cao cho xây dựng NTM và giảm nghèo theo hướng bền vững. Cuộc vận động này đã trở thành phong trào lớn nhất, nổi bật nhất trong việc vận động bà con nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu.
Sáng 18.7, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam đi thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng, hoàn thiện trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tại tỉnh Lạng Sơn.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, từ kết quả trên cho thấy Lạng Sơn đã có chủ trương đúng, chính sách phù hợp, chính điều này đã giúp cởi trói về mặt pháp lý, tạo đồng thuận trong dân khi thực hiện Nghị quyết 26. Bài học thứ 2 có thể thấy rõ là Lạng Sơn đã làm tốt quy hoạch về sản xuất nông nghiệp từ tiềm năng, lợi thế vùng theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đặc biệt, qua chia sẻ của các lãnh đạo, cán bộ chính quyền ở đây, Chủ tịch Hội ND Việt Nam thực sự tâm đắc với bài học về chọn cán bộ cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết 26, đó là phải chọn cán bộ giỏi, cán bộ có trách nhiệm cao để phục vụ công cuộc xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững thành công.
Để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và sức cạnh tranh cho sản phẩm ở tỉnh biên giới, Chủ tịch Hội NDVN cho rằng: Lạng Sơn phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch sản xuất theo hướng hoàn thiện đồng bộ theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất chế biến tới tiêu thụ sản phẩm, nhất là cây na, một loại đặc sản mà địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Để thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X hiệu quả hơn tại Lạng Sơn trong thời gian tới, đồng chí Thào Xuân Sùng lưu ý tỉnh cần tập trung vận động bà con thực hiện tốt chiến lược về xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng ở các hộ nông dân và xanh hóa đời sống. Chúng ta phải coi tăng trưởng xanh là yếu tố đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM. Đặc biệt, địa phương phải kết hợp giữa việc xây dựng NTM với mô hình du lịch sinh thái (du lịch vườn na, du lịch văn hóa, di tích lịch sử) để tạo, tăng thêm thu nhập cho người dân.
"Bên cạnh đó, Lạng Sơn phải chú trọng đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, đặc biệt là việc liên kết vùng và đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, cần chủ động phối hợp với các xã, huyện, nhất là với sản phẩm na, Lạng Sơn cần phối hợp để đưa sản phẩm đến các địa phương và hướng xa hơn là xuất khẩu ra ngoài nước. Như bài học về xây dựng chương trình OCOP ở Quảng Ninh đang rất thành công, họ thành lập cả một trung tâm OCOP ở huyện Đông Triều giúp quảng bá sản phẩm hiệu quả cho người dân, điều này chúng ta hoàn toàn có thể học tập và áp dụng được tại địa phương.
Đích đến của Nghị quyết T.Ư 7, khóa X là công nghiệp hóa nông nghiệp, tri thức hóa nông dân. Bởi thế khi xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, tỉnh phải xác định nhiệm vụ trung tâm là tái cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và sản xuất phải theo chuỗi giá trị, đặc biệt là địa phương phải triển xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là đội ngũ lao động nông thôn có chất lượng cao thì mới đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu mà tỉnh đã đề ra đến 2025 là giá trị nông lâm nghiệp tăng từ 2 - 3 lần, năm 2030 tăng 3,5 - 4 lần; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50-55 triệu đồng/người/năm vào năm 2030..", Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.