Chủ tịch Hội Nông dân Thào Xuân Sùng đề nghị báo cáo Quốc hội về an toàn của hệ thống thủy điện

PVCT Thứ hai, ngày 02/11/2020 15:20 PM (GMT+7)
Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH Thào Xuân Sùng đã đề nghị báo cáo Quốc hội về sự an toàn hệ thống thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa nước. Với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, không an toàn hạ du, không đảm bảo môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải có cơ chế dừng lại.
Bình luận 0

Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế -xã hội, vừa trở về từ vùng đồng bào bị bão lụt ở miền Trung, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH Thào Xuân Sùng (Đoàn ĐBQH Hà Giang) cho biết: Thiệt hại về người, tài sản vô cùng lớn, chưa bao giờ thấy gia súc, gia cầm chết nhiều như vậy. Do đó, vấn đề môi trường cần đặt ra hàng đầu, đặc biệt là an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ đập, phát triển thủy điện, trồng rừng.

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân, ĐBQH Thào Xuân Sùng đề nghị báo cáo Quốc hội về an toàn của hệ thống thủy điện - Ảnh 1.

ĐBQH Thào Xuân Sùng phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội (ảnh K.T).

Từ thực tế khảo sát trực tiếp, ĐBQH Thào Xuân Sùng đề nghị trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách 2021 -2025, cần phải rà soát và điều chỉnh, bổ sung công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng phía Đông gồm Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung.

"Đây là vùng hạ tầng cực kỳ mỏng. Đều là những công trình dân sinh, chỉ đi được xe 2-3 tấn chứ xe 10 tấn không đi được. Vì vậy cần có giải pháp mang tính chủ trương và coi đây là việc trọng tâm, cấp bách, đột xuất, không chỉ mục tiêu kép là phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế, mà còn là vấn đề môi trường" – ĐBQH Thào Xuân Sùng nói. Ông cho biết thêm, quy hoạch kinh tế xã hội vùng phía Đông miền Trung cần nhìn nhận trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cân đối ngân sách cần tăng cao hơn.

ĐBQH Thào Xuân Sùng cũng đề nghị báo cáo Quốc hội về sự an toàn hệ thống thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa nước. Với thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm, không an toàn hạ du, không đảm bảo môi trường rừng, xâm lấn rừng thì cần phải có cơ chế dừng lại. Thủy điện chiếm 16%, thu không được bao nhiêu, nhưng khi xả lũ đúng lúc mưa to thì ngập mênh mông, làm không đủ ăn.  

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân, ĐBQH Thào Xuân Sùng đề nghị báo cáo Quốc hội về an toàn của hệ thống thủy điện - Ảnh 2.

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trong chuyến thăm đồng báo vùng lũ lụt miền Trung.

"Có những con trâu nằm trên mái nhà, trên cột điện. Những người con mất cha mẹ. Rất nhiều câu chuyện không tưởng tượng nổi, rất đau lòng" – ĐBQH Thào Xuân Sùng nói và đề nghị những nơi đầu nguồn không trồng rừng kinh tế mà trồng rừng môi trường, trả lại lớp thực bì cho rừng, để cản mưa tốt hơn. 

Vẫn theo ĐBQH Thào Xuân Sùng, các bộ ngành phối hợp khảo sát điều tra, tổng hợp tình hình sản xuất, nhất là nông nghiệp có phương án, giải pháp để điều chỉnh lại, chấm dứt trồng rừng kinh tế. Nhiều nơi trồng toàn keo, 5 năm khai thác và đúng vào tháng 10, nên cần phải cân nhắc lại quan điểm trồng rừng kinh tế ở lưu vực sông suối.

Vừa rồi tôi đi mấy huyện Hà Tĩnh hoàn thành nông thôn mới, nhưng mưa to xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ, thì không còn nông thôn mới. Giữa thiên tai và nhân tai, thì rõ ràng công tác quy hoạch trong trồng rừng, bảo vệ rừng, cần tập trung là rừng khả dụng, rừng môi trường để bảo vệ nước, môi trường dân cư, địa bàn sản xuất phải được đảm bảo. Cần coi đây là mục tiêu cấp bách, chiến lược chứ không chỉ đi hỗ trợ mấy tấn gạo, thì sang năm lại như vậy, mà cần phải giải quyết căn cơ.

ĐBQH Thào Xuân Sùng đề nghị thêm, không chỉ để Ban phòng chống bão lũ đi mà cần thành lập Ban chỉ đạo Khẩn cấp giải quyết vấn đề môi trường và Ban chỉ đạo giải quyết khẩn cấp hậu quả các cơn bão lũ, để nhìn tổng thể, giải quyết đồng bộ, tổng thể, hiệu quả hiệu lực cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem