Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân: “Đã hứa với dân là dân nhớ”

Lương Kết (ghi) Thứ tư, ngày 18/05/2016 07:15 AM (GMT+7)
"Người dân không nên vì bức xúc một vấn đề tại thời điểm hiện nay mà từ bỏ quyền và trách nhiệm thiêng liêng của mình là đi bầu chọn ra những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo của địa phương trong 5 năm tới" -Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy khi trả lời báo chí ngày 17.5.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội khó khăn tại một số địa phương, có đối tượng xấu đã kích động xúi giục cử tri không đi bầu cử, là Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, ông có ý kiến gì về việc này?

- Trong cuộc sống, mỗi người đều có sự quan tâm nhất định đến gia đình mình, quê hương mình, đất nước mình. Nếu có những sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà chúng ta không thấy bức xúc, đó mới là điều không bình thường. Chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi đang có khó khăn do thiên tai, dịch bệnh..., đó là điều hết sức chính đáng.

Còn với việc bầu cử, đây là câu chuyện 5 năm mới có một lần, là quyền của mỗi công dân để lựa chọn người thay mặt mình tham gia vào bộ máy quyền lực cao nhất ở Trung ương là Quốc hội, ở địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp.

Có thể chúng ta có những tình cảm khác nhau trước sự kiện xảy ra, có thể có những người hiểu việc đó theo quan điểm riêng làm cho bà con nhân dân bức xúc. Tuy nhiên, người dân không nên vì bức xúc một vấn đề tại thời điểm hiện nay mà từ bỏ quyền và trách nhiệm thiêng liêng của mình là đi bầu cử để chọn ra những người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo của địa phương trong 5 năm tới.

Những vấn đề bức xúc như làm thế nào đảm bảo cho đời sống của bà con ngư dân tốt hơn, Đảng và Nhà nước, trong đó có MTTQ sẽ tiếp tục thực hiện cho bằng được. Bà con ngư dân có khó khăn nhưng không bao giờ đơn độc. Vừa qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đã có sự bàn bạc, triển khai, ký kết chương trình phối hợp để hỗ trợ cho đối tượng ngư dân ở các địa phương gặp khó khăn. Ví dụ như mua bảo hiểm cho khoảng 10% số hộ dân khó khăn nhất, hay vận động để giúp đỡ con em ngư dân không phải nghỉ học.

Về tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và nhiễm mặn ở ĐBSCL, MTTQ cũng đã bàn bạc ký kết chương trình phối hợp giúp đỡ khoảng 10% số hộ dân, tương đương khoảng 45.000 hộ dân để giúp họ có thiết bị trữ nước sinh hoạt, có thuốc để lọc nước sinh hoạt khi cần thiết. Hiện Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xây dựng 10 trạm lọc nước thí điểm lọc nước lợ thành nước ngọt cung cấp cho các cụm dân cư vùng nhiễm mặn.  Chính phủ đã vào cuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã vào cuộc. Một số bà con có thể bức xúc ngắn hạn, nhưng đừng vì thế mà từ bỏ quyền của công dân, đó là lựa chọn ra người lãnh đạo tài giỏi cho địa phương mình, đất nước mình trong 5 năm tới.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp xúc cử tri
tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: VGP

Thưa ông, nhiều cử tri băn khoăn về việc giám sát bỏ phiếu và kiểm phiếu thế nào để đảm bảo khách quan?

Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ và các thành viên, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu. Việc kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai được làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân

- Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ và các thành viên, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu. Việc kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai được làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu.

Riêng về vấn đề này, MTTQ Việt Nam đã có kiến nghị với Hội đồng bầu cử quốc gia để có hướng dẫn chi tiết. Chúng tôi đã góp ý vào bản dự thảo và trong thời gian ngắn nhất, Hội đồng bầu cử sẽ hướng dẫn về nội dung này.

Việc giám sát phải đảm bảo đúng quy định. Nếu là ứng viên thì phải có tên trong danh sách. Còn ai thay mặt ứng cử viên để giám sát thì phải có uỷ quyền của họ. Cơ quan giới thiệu ứng cử viên có quyền giám sát, người đại diện của cơ quan đó phải có giấy giới thiệu. Các phóng viên giám sát phải có giấy xác nhận để được tham gia.

Quy định chung là việc giám sát không được làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu, nếu vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản tại chỗ, người đó có thể có ý kiến về việc lập biên bản. Đây là nội dung mới đảm bảo tính dân chủ, khách quan…

Vừa qua các ứng viên khi đi vận động bầu cử có đưa ra lời hứa, vậy vấn đề giám sát lời của các ứng viên sau khi trúng cử thế nào? Vai trò của MTTQ trong việc cùng cử tri giám sát thực hiện lời hứa của người trúng cử?

- Trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, theo luật định, các ứng cử viên phải thể hiện trách nhiệm của mình khi được bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Trong các cuộc tiếp xúc đó, ứng viên cũng trình bày chương trình hành động của mình, có nhiều nội dung là lời hứa. Đã hứa với dân là dân nhớ.

Chương trình hành động của các ứng viên không những được phát biểu ở từng quận, huyện, xã phường mà còn được truyền hình, phát thanh ở địa phương đăng tải nên tất cả các cử tri đều biết ứng cử viên đó nói như thế nào. MTTQ cũng như người dân trong quá trình tổ chức việc tiếp xúc đều ghi nhận các lời hứa đó, quan trọng hơn là sau khi được bầu, mỗi lần tiếp xúc sau đó, các đại biểu phải có liên hệ lại, báo cáo người dân xem họ đã làm thế nào, đặc biệt, với điều kiện mới phát sinh thì phải tự đề xuất nhiệm vụ mới chứ không phải chỉ làm theo lời hứa lúc đó.

Lần này, MTTQ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định trong thời gian sau bầu cử phải hình thành hoạt động giám sát những lời hứa một cách hệ thống hơn, chặt chẽ hơn.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem