Bí thư Nguyễn Văn Nên tri ân các lực lượng chi viện đã sát cánh cùng TP.HCM hơn 100 ngày chống dịch

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 08/10/2021 12:35 PM (GMT+7)
Ngày 8/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã tham dự lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Bình luận 0
Bí thư TP.HCM: Tri ân các lực lượng chi viện đã sát cánh cùng thành phố hơn 100 ngày lịch sử - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: T.T

Bí thư TP.HCM bày tỏ sự tri ân với các lực lượng chi viện trên cả nước đã cùng thành phố ứng phó với đại dịch Covid-19 trong hơn 100 ngày lịch sử, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để kịp thời chia lửa. 

Sau 4 tháng ròng rã "không thể nói hết bằng lời", sát cánh bên nhau, kiên gan chiến đấu, các lực lượng đã từng bước giúp TP.HCM kiểm soát được dịch để chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, đến thời điểm này, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa đoán định được hết mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta và những biến chủng mới đang xuất hiện tại nhiều nơi.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch vẫn chưa kết thúc, vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được chủ quan. Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, thay đổi cách sống phù hợp với tình hình mới, sống trong môi trường có dịch. 

TP.HCM cũng nhanh chóng củng cố toàn diện hệ thống y tế từ TP đến tận cơ sở để bảo vệ sức khỏe, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ của dịch.

"Chúng ta đã có bài học xương máu trong quá trình phòng, chống dịch vừa qua. Trung ương đã bàn rất sâu nguyên nhân, hạn chế, yếu kém cần khắc phục", ông Nên  biết.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung phòng chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, trước mắt Bộ Chính trị chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp, khắc phục sớm tình trạng hàng chục ngàn người lao động về từ TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, những nơi có khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn; những người dân có nhu cầu về quê sau những ngày tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Đồng thời, tổ chức chu đáo để đón những người lao động từ các địa phương về nơi sản xuất, hiện tại các doanh nghiệp đang chờ đợi.

Báo cáo về kết quả chống dịch của ngành y tế thời gian qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, đầu tháng 5/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn thành phố ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần).

Tuy nhiên, chỉ sau 4 tuần, chỉ số này đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần), ca tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.

Đến ngày 7/7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3 (từ 50 đến dưới 150/100.000). Đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày.

Ngày 16/7, tình trạng dịch tiếp tục chuyển sang cấp độ 4 (hơn 150/100.000), số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.

"Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị đều bị quá tải, dù thành phố đã liên tục thành lập thêm 10 bệnh viện dã chiến với quy mô 24.027 giường và chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi", ông Thượng nói.

Tính đến 17/8, thành phố đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến với tổng quy mô lên 39.398 giường và chuyển công năng 54 bệnh viện (với 15.261 giường). Nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần (ngày 18  - 24/8).

Bí thư TP.HCM: Tri ân các lực lượng chi viện đã sát cánh cùng thành phố hơn 100 ngày lịch sử - Ảnh 3.

Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức. Ảnh: BVCC

Một tháng sau đó, thành phố tiếp tục lập thêm bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp nguồn oxy (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường). Tổng cộng, thành phố đã lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường).

Từ giữa tháng 9, ngành y tế TP.HCM nhận được sự hỗ trợ từ 132 đơn vị của bộ, ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến 30/9, lực lượng tham gia phòng, chống dịch của TP.HCM là 187.275 người. Trong đó, lực lượng chi viện là 28.989 người (8.900 nhân viên y tế; 16.637 chiến sĩ, quân y).

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, ngành y tế TP.HCM đã triển khai hiệu quả đồng thời mô hình điều trị 3 tầng với hệ thống bệnh viện "chị em" - liên tục chuyển bệnh 2 chiều giữa các tầng điều trị và tập trung cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.

Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho vaccine, kiến nghị Bộ Y tế thí điểm tiêm cho trẻ em khi có vaccine phù hợp; thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm; phát huy hiệu quả 3 tầng điều trị và chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem