Công an bắt tạm giam Chủ tịch phường Nếch ở Bắc Giang
Ngày 16/12, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt giam bị can Đỗ Văn Luận (SN 1982, Chủ tịch UBND phường Nếnh, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội nhận hối lộ.
Theo cảnh sát, từ năm 2014 đến năm 2017, Công ty do ông Nguyễn Văn Sen làm Giám đốc đã thi công nhiều công trình tại xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên (nay là phường Nếnh, thị xã Việt Yên). Sau khi thi công xong công trình, từ năm 2015 đến năm 2017, Công ty này đã bàn giao công trình cho UBND phường Nếnh nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng UBND phường chưa chi trả tiền thi công cho công ty.
Bị can Đỗ Văn Luận, Chủ tịch UBND phường Nếnh, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Công an Bắc Giang.
Từ tháng 1/2023 đến tháng 11/2024, ông Sen đã nhiều lần gửi đơn đến UBND phường Nếnh đề nghị thanh toán tiền công xây dựng. Tháng 9/2024, Đỗ Văn Luận đã chỉ đạo Kế toán của UBND phường rà soát, kiểm tra hồ sơ thanh toán của các công trình do công ty thi công và phát hiện có 2 hồ sơ đủ điều kiện để thanh toán với số tiền hơn 600 triệu đồng.
Sau đó, Luận liên hệ với ông Sen và yêu cầu trích 10% tổng số tiền thanh toán (khoảng 60 triệu đồng) thì mới được ký xác nhận. Chiều 6/12, tại phòng làm việc của Luận, cảnh sát bắt giữ người đàn ông này khi đang nhận số tiền 60 triệu đồng từ ông Sen. Tại cơ quan điều tra, Đỗ Văn Luận thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.
Quy định của pháp luật về tội nhận hối lộ
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ cụ thể như sau:
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất.
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 20 năm tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo luật sư Sơn, người nào nhận hối lộ có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.