Vụ khởi tố Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Quy định pháp luật về Tội Nhận hối lộ?

Phi Long Thứ bảy, ngày 14/12/2024 14:56 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vừa thông báo khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh Tòa hình sự - TAND tỉnh Đắk Lắk để điều tra về tội nhận hối lộ. Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.
Bình luận 0

Khởi tố thẩm phán, Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thông báo khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh Tòa hình sự - TAND tỉnh Đắk Lắk để điều tra về tội nhận hối lộ. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Văn Tú (thẩm phán Tòa kinh tế - TAND tỉnh Đắk Lắk) để điều tra tội đưa hối lộ.

Cũng theo nguồn tin, sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành các thủ tục tạm đình chỉ công tác đối với ông Đức và ông Tú.

Ngoài ra, TAND tỉnh Đắk Lắk gửi văn bản đến Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, đề nghị đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đức và ông Tú.  

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cũng thông báo đến Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk về việc bắt tạm giam luật sư Nguyễn Đình Bảo.

Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, hiện chưa rõ luật sư Bảo bị bắt tạm giam về hành vi gì.

Cùng với đó, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk đình chỉ sinh hoạt Đảng với người này.

Cùng ngày, ông Trần Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị cũng vừa nhận thông báo của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao về việc chuyển từ tạm giữ hình sự sang tạm giam đối với ông Tô Thành Trung - chấp hành viên thuộc Chi cục THADS TP.Buôn Ma Thuột. Đồng thời, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao yêu cầu tạm đình chỉ chức vụ với ông Trung.

Theo ông Tuấn Anh, trong thông báo, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao chưa nói ông Tô Thành Trung bị điều tra về tội danh gì.

img

Trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: DV.

Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với người nhận hối lộ, người phạm tội nhận hối lộ sẽ bị xử lý như sau:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: 

Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII về các tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất.

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, theo luật sư Sơn, người nào nhận hối lộ có thể bị xử lý hình sự với mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp phạm tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, tùy vào hậu quả xảy ra, người đưa hối lộ có thể bị xử lý hình sự với mức phạt thấp nhất 6 tháng tù, cao nhất lên đến 20 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem