Hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam

P.V Thứ tư, ngày 18/12/2024 10:39 AM (GMT+7)
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Một trong những biện pháp hiệu quả là hợp tác quốc tế.
Bình luận 0

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Theo báo cáo chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố trước đó, trên thế giới có 160 triệu trẻ em là đang phải lao động kiếm sống và 9 triệu em khác đang gặp rủi ro do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong đó, trẻ em ở độ tuổi 5 - 11 phải tham gia lao động đang có xu hướng tăng lên; số trẻ ở độ tuổi 5 - 17 tuổi làm công việc độc hại tăng từ 6,5 triệu (năm 2016) lên 79 triệu.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến cho trẻ em có nguy cơ phải làm việc nhiều, trong điều kiện xuống cấp, thậm chí là bị bóc lột do thu thập của gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ bị mất việc làm.

Báo cáo quốc gia về lao động trẻ em năm 2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cho thấy có khoảng hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia vào các hoạt động lao động. Trong số này, phần lớn trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trẻ em phải lao động sớm tập trung nhiều ở các vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi điều kiện kinh tế kém phát triển hơn và cơ hội tiếp cận giáo dục còn hạn chế.

Phòng ngừa và kéo giảm số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và lao động trẻ em bền vững gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ngày càng kịp thời, hiệu quả.

Để giảm bớt tình trạng lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền trẻ em và ngăn chặn tình trạng này. Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định nghiêm ngặt về lao động trẻ em.

Hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam- Ảnh 2.

Nhiều địa phương như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tiền Giang, Hậu Giang đã tổ chức diễn đàn "Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em dành cho người lao động". Chương trình này nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân.

Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về quyền của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác. Luật cũng đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Bộ luật Lao động 2019 cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, trừ một số công việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ.

Đối với trẻ em từ 15 đến 18 tuổi, luật cũng có những quy định chặt chẽ về thời gian làm việc, loại hình công việc và điều kiện lao động.

Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO.

Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai để giảm thiểu tình trạng này, bao gồm các biện pháp hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và cải thiện điều kiện sống cho gia đình nghèo.

Năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công an; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch năm 2024 thực hiện Quy chế đã được ban hành. Căn cứ vào quy chế phối hợp, đã có 20 địa phương ban hành kế hoạch phối hợp giữa các sở ngành tại địa phương/công văn của UBND tỉnh phân công các sở ngành thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em..

Năm 2023, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã cấp 13.877 suất học bổng trị giá 9,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 17.800 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều trường học, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo đã góp phần cải thiện điều kiện học tập cho hàng trăm ngàn học sinh.

Trong năm 2023, 272 công trình phục vụ trẻ em được xây mới và nâng cấp.Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phấn đấu đến năm 2030 là huy động tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt tối thiểu 95%; cấp trung học phổ thông và tương đương đạt tối thiểu 75% nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập ít nhất đến hết cấp trung học cơ sở.

Hợp tác quốc tế để giảm tình trạng lao động trẻ em

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Một trong những biện pháp hiệu quả là hợp tác quốc tế.

Các dự án hợp tác quốc tế này tập trung giải quyết nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lao động trẻ em - đó là nghèo đói. Hỗ trợ sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương hay định hướng nghề nghiệp để trẻ tham gia lao động một cách phù hợp và an toàn, theo đúng quy định của pháp luật.

Gần 6000 em tại 3 tỉnh thành phố là lao động trẻ em hoặc có nguy cơ trở thành lao động trẻ em đã được hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề. 1600 hộ gia đình được hỗ trợ cải thiện sinh kế.

Hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam- Ảnh 3.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Một trong những biện pháp hiệu quả là hợp tác quốc tế.

Đó là kết quả sau 8 năm thực hiện dự án hỗ trợ kĩ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện.

Mô hình sinh kế được triển khai tại các địa phương có tỉ lệ cao trẻ em tham gia lao động - để ngăn ngừa việc gián tiếp thúc đẩy trẻ em đi làm sớm. Trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác do hủ tục tảo hôn, gia cảnh khó khăn, bạo lực gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban dân tộc đã phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO triển khai dự án "Chúng tôi có thể" tại 3 tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, và sẽ có thêm Cao Bằng và Kon Tum.

Sau hơn 2 năm thực hiện, hơn 16 ngàn học sinh dân tộc thiểu số đã tiếp tục được đi học. 4.500 phụ huynh là bà con dân tộc thiểu số đã hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục với con em mình.

Trong hơn 3 thập niên qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu rất lớn về xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm tình trạng lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng vừa đã có đánh giá tích cực.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và thứ hai trên Thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc năm 1990.

Việt Nam đã và đang cam kết thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách.

Kết quả của nỗ lực này là trong số 1 triệu lao động trẻ em, đã có 63% trong số này đã được tiếp cận giáo dục, tăng 20% so với giai đoạn 2012 trở về trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem