Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh IT).
Sáng nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động đúng với tinh thần của Trung ương để áp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực hiện cam kết mà các hiệp định mới mà Việt Nam tham gia. “Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được các tổ chức quốc tế hoan nghênh. Tôi tiếp đại diện châu Âu và các nước, họ đều rất hoan nghênh”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ luật Lao động sửa đổi 200 điều là rất lớn, tác động trực tiếp đến tất cả doanh nghiệp và 55 triệu người trong độ tuổi lao động, và tác động gián tiếp đến xã hội lâu dài. Do đó, ngoài đáp ứng những cam kết trong hiệp định thương mại tự do, phải tính đến nhu cầu phát triển của đất nước và những vấn đề mang tính quyết định của của bộ luật nên cần phải nghiên cứu sâu.
Đi vào vấn đề cụ thể trong Bộ luật Lao động đó là quy định tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải tính đến các yếu tố như sức khoẻ của người lao động, khả năng làm việc của người lao động; thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Yếu tố văn hóa, truyền thống tâm lý xã hội, khi tăng tuổi nghỉ hưu phải đánh giá kỹ hơn.
“Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, phải thực hiện theo đúng tinh thần của Trung ương, đáp ứng cho yêu cầu dài hạn chứ không phải trước mắt. Trung ương cho chủ trương là nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu. Theo lộ trình đến năm 2035, cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi, nghĩa là còn hơn 15 năm thì cán bộ nữ mới được làm việc đến 60 tuổi. Không phải chúng tôi làm luật này là tính ở lại”, Chủ tịch Quốc hội nói và khẳng định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong đó có quy định tăng tuổi nghỉ hưu không phải cho những người đương chức kéo dài thời gian làm việc.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu phải làm rõ ràng để có bước đi thận trọng, hợp lý, thuyết phục, cần thiết phải đánh giá tác động với từng loại công việc cụ thể, ví dụ lao động trong môi trường lao động bình thường, lao động nặng nhọc, lao động trong môi trường độc hại, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao… có sự khác nhau. Khi đánh giá như vậy để báo cáo thuyết minh khi trình ra Quốc hội hay khi lấy ý kiến nhân dân, xin ý kiến các đối tượng thì người nghe sẽ hiểu và hiểu cách thấu đáo. Không phải Trung ương có nghị quyết rồi thì không cần đánh giá tác động, giải trình”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các bộ ngành có liên quan, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) phải tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đánh giá, giải trình thêm một cách thấu tình đạt lý khi trình ra Quốc hội kỳ họp tới.
“Phải thuyết phục được người lao động, lấy thêm ý kiến, tăng cường tuyên truyền để tránh dư luận phức tạp. Đừng tuyên truyền rằng tất cả người lao động, từ công nhân lao động hầm lò, nam phải làm việc đến 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Không phải như vậy mà theo từng đối tượng khác nhau…Cần nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc các luận cứ khoa học, có thêm thông tin để quy định về độ tuổi nghỉ hưu phù hợp, tạo sự đồng thuận xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về tuổi nghỉ hưu, Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết:
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu (02 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ; đồng thời cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận khác nhau giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, đề xuất quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW và với mục tiêu lâu dài để chủ động chuẩn bị ứng phó với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình điều chỉnh chậm sẽ có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp, tránh tác động, phản ứng quá mạnh đối với người lao động và thị trường lao động.
Ủy ban nhấn mạnh thêm: (1) Việc quy định về tuổi nghỉ hưu cần phải được khẳng định là tuổi nghỉ hưu chung của quốc gia đối với người lao động; (2) Việc quy định quyền được nghỉ hưu sớm hơn 05 năm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần phải được cân nhắc để điều chỉnh nghỉ hưu sớm hơn 10 năm đối với một số công việc đặc biệt như làm việc khai thác than trong hầm lò, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp…; (3) Việc quy định quyền được nghỉ hưu cao hơn không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu chung cũng phải được hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số ngành, lĩnh vực đang kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn cả mức 05 năm (giáo dục, y tế…).
Đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị của Ủy ban đã nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2032/BC-UBVĐXH14 như “bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 05 năm theo quy định”, chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (02 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ. Đề nghị Chính phủ bổ sung các thông tin cần thiết trên để làm cơ sở, căn cứ để quy định độ tuổi nghỉ hưu cụ thể theo lộ trình hợp lý. Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ và Cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc chuyển tên gọi của điều quy định về tuổi nghỉ hưu thành tuổi hưởng lương hưu có thể sẽ phù hợp hơn.
Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền… ở doanh nghiệp) chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau và quan tâm hơn công tác truyền thông trong thời gian tới.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.