Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử
Điểm mới trong dự Luật là cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên sàn thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử đã được cấp phép. Luật Dược hiện nay cấm kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đề nghị làm rõ nội hàm "kinh doanh chuỗi nhà thuốc", cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh, đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
"Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử, thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử", bà Nguyễn Thuý Anh nói.
Góp ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thuốc là loại hàng hoá rất đặc biệt nên cần nghiên cứu, tìm điểm cân bằng để có độ mở phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thương mại và bảo vệ sức khoẻ người dân.
"Bán thuốc nói chung và bán qua thương mại điện tử phải được kiểm soát chặt và cần đánh giá tác động rất cụ thể", ông Vương Đình Huệ lưu ý và đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp để có quy định phù hợp về vấn đề này, trong đó tham khảo kinh nghiệm của các nước, rõ quyền và trách nhiệm.
Nên chăng có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu làm thuốc?
Nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay, đa số thuốc thông thường Việt Nam tự sản xuất được, nhưng khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu và những thuốc đặc trị, thiết yếu đa số vẫn phải nhập khẩu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phát triển ngành dược vừa là kinh tế, vừa liên quan chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được hết sức quan tâm, có chính sách thúc đẩy phát triển. Bởi tiềm năng rất lớn nhưng thực tế ngành dược còn nhỏ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại Quyết định 376/2021 của Thủ tướng về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 để luật hóa một số chính sách nhằm khuyến khích các ngành này phát triển mạnh hơn.
Trong đó, cần có các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam...
Theo ông Vương Đình Huệ, chính sách phân phối của Việt Nam đang còn có giới hạn nên cần tính đến việc liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng nhau sản xuất, phân phối, lưu thông... thành chuỗi trong, ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý có thể luật hóa một số chính sách ưu đãi về đầu ra của các sản phẩm của cơ sở sản xuất trong nước như trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí thuốc chữa bệnh, bảo hiểm y tế...
"Với trên 90% nguyên liệu nhập khẩu nên chăng có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu làm thuốc. Tuy chính sách thuế quy định trong luật thuế nhưng tới đây cũng sẽ sửa một số luật thuế và biểu thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền Chính phủ", ông Huệ gợi ý.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng giá nhập khẩu cao thì giá thành thuốc sẽ đắt, dân phải mua thuốc đắt. Nên chăng có nghiên cứu chính sách bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc bao bì, tá dược, vỏ nang... Những thứ đã sản xuất được thì thôi nhưng thứ chưa sản xuất được nên có thuế ưu đãi để giảm giá thành, ông Huệ nêu ý kiến.
Cạnh đó, với các doanh nghiệp sản xuất trong nước như làm vắc xin, sinh phẩm y tế bằng ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý lần sửa đổi này có cần chính sách ưu đãi gì không?.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các công ty, tập đoàn lớn sẽ có các trung tâm nghiên cứu, nhưng nên có trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành dược theo quy mô quốc gia do Bộ Y tế chủ trì. Điều này thể hiện sự đầu tư của Nhà nước về phát minh, sáng chế ngành dược, thể hiện tinh thần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.