Hiện nay, thị trường chứng khoán có nhiều thông tin tác động đến nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp công bố thông tin theo hướng có lợi cho việc phát hành cổ phiếu nhằm huy động lượng vốn lớn.
Thống kê trên thị trường cho thấy, năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, hơn 50% là vi phạm công bố thông tin. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề. So sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất.
Cũng phải nói thêm rằng, việc quản lý công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là vấn đề nhức nhối trên thị trường chứng khoán thế giới chứ không chỉ là vấn đề của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thu về vài trăm tỷ, phạt 7 - 8 tỷ không có ý nghĩa
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, thị trường chứng khoán đã tốt hơn rất nhiều trong 10 năm gần đây và đó đã là một bước tiến dài. Tuy nhiên, theo ông Hưng có một vấn đề rất khó kiểm soát chính là đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, có những doanh nghiệp muốn đưa thông tin ra ngoài theo nhiều cách để tác động lên giá cổ phiếu trên thị trường. Những thông tin này thường liên quan đến giá phát hành cho đối tác chiến lược.
Nói về nguyên nhân của tình trạng vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng phân tích, một doanh nghiệp thường gắn với lợi ích, có thể lách luật miễn là huy động vốn thành công. Doanh nghiệp đó có thể chấp nhận mất uy tín, phát triển không bền vững nhưng kết quả đạt được mục đích. “Nếu làm đúng bài bản thì người ta nghĩ rằng có khi lại không được gì”.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng " Thu về vài trăm tỷ, phạt 7,8 tỷ thì có ý nghĩa gì?"
Xét về hệ thống pháp luật công bố thông tin ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Duy Hưng, hệ thống pháp luật của Việt Nam áp dụng trên thị trường chứng khoán “thuộc loại chặt trên thế giới”.
Thậm chí nhiều tiêu chí công bố thông tin được đưa vào luật. Tuy nhiên, các chế tài quản trị thông tin trong nhiều năm lại không có sự tương thích với sự phát sinh khi tổ chức phát hành cố tình vi phạm công bố. Chính điều này đã làm cho những bất cập trên thị trường chứng khoán vẫn “có đất tồn tại”.
“Phải chế tài chưa đủ mạnh, dù mức phạt gần đây rất cao 7-8 tỷ đồng nhưng con số đấy so với việc người ta có thể thu về cả trăm tỷ như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói thì không là gì cả”, chủ tịch SSI đặt câu hỏi.
Chủ tịch SSI cho biết thêm, tội phạm cố tình đưa ra thông tin không chính xác cần bị xem xét hình sự, thay vì chỉ phạt hành chính.
Chưa sửa xong luật, tội phạm đã có cách lách luật
Chia sẻ về các giải pháp để tăng cường minh bạch trên thị trường chứng khoán, trong thời gian tới, chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho rằng: “Câu hỏi làm thế nào để cải thiện chất lượng CBTT hay có thể nói là sự minh bạch của thị trường thì có lẽ giải pháp sẽ là một “giải pháp hình quả mít”
"Có ai đó từng nói là muốn đi nhanh phải đi một mình còn muốn đi xa phải đi cùng nhau. Theo tôi giải pháp ở đây là chúng ta phải đi cùng nhau. Hiện tại cơ quan quản lý đang xây dựng luật, nhưng bị doanh nghiệp kêu nhiều, bên thì bảo là quy định chặt như thế này thì sao chúng tôi theo được, nhưng lại có người kêu là làm thế này thì làm sao minh bạch được", Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nói.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN đề xuất giải pháp "quả mít" cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, trong các giải pháp đó, cơ quan quản lý có trách nhiệm lớn là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và tổng thể hơn; cùng với đó là vai trò trong kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Cũng theo người đứng đầu UBCKNN, tới đây các hình thức xử phạt sẽ tăng lên nhiều, không chỉ với các tập thể mà cả cá nhân; đồng thời, việc xử lý hình sự cũng sẽ mạnh hơn.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng:
Nên chăng cần có yêu cầu tăng cường chất lượng công bố thông tin chặt chẽ hơn đối với nhóm doanh nghiệp VN30 hay VN50. Những doanh nghiệp nào vi phạm nặng thì có thể nghiên cứu đưa ra khỏi nhóm. “Khi chúng ta bồi dưỡng nhóm đầu thì sẽ có DN khác đi theo, giống như chúng ta trước đây kêu gọi niêm yết”
|
Đồng quan điểm, theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, “Đây là câu chuyện phải sửa, phải sửa tất cả để đạt được mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, khi sửa luật vừa tránh tội phạm nhưng đồng thời tạo cảm giác không gây khó cho doanh nghiệp vì cuối cùng doanh nghiệp phát triển mới là động cơ quan trọng nhất, mang lại nguồn daonh thu, việc làm, ngân sách”, ông Hưng nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo SSI, việc ra luật có thể bịt được rất nhiều cái điều mà chúng ta đã hết được ra, nhưng hỏi có bịt được hết không, có giải quyết được mọi tồn tại không? Theo ông Hưng là “không thể”.
Ông Nguyễn Duy Hưng phân tích thêm, cơ quan quan lý nhà nước để sửa đươc luật phải có thời gian nhưng tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán lớn lên rất nhanh và họ không cần thời gian.
“Họ không cần chờ 3,4 năm sửa luật thì họ đã nghĩ ra cách để lách luật kể từ khi luật chưa ra đời”, ông Hưng cảnh báo.
Nên chăng, cần đưa ra các chế tài xử phạt phải nặng hơn trong các văn bản pháp luật sắp tới, như cấm huy động lần tiếp theo, cấm hành nghề, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiền. “Cuối cùng, chúng ta phải có “cái gậy” đủ mạnh vì “cà rốt” người ta có thể thay thế bởi những thứ khác tốt hơn”, Chủ tịch SSI nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.