Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối diện khung hình phạt nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 05/04/2022 20:10 PM (GMT+7)
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt để điều tra về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là tội danh có khung hình phạt lên đến phạt tù Chung thân.
Bình luận 0


Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng nhiều lãnh đạo dưới quyền đã bị bắt. Clip: Quỳnh Nguyễn

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt

Ngày 5/4, Bộ Công an thông báo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt để điều tra vềTội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngoài là người đứng đầu Tân Hoàng Minh, ông Dũng còn đang giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (từ năm 2015 đến nay).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối diện khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng khám xét nơi ở và nơi làm việc của Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng. Ảnh Quỳnh Nguyễn.

Theo thông tin ban đầu, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Bên cạnh Chủ tịch Tân Hoàng Minh, cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng đã khởi tố 6 bị can khác.

Bao gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Phùng Thế Tính, Nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt, đối diện bao nhiêu năm tù? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt để điều tra về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh IE.

Đối diện hình phạt chung thân

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh mà Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng vừa bị khởi tố được quy định tại Điều Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

Tội danh này có mức phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người bị khởi tố tội danh này, nếu bị chứng minh có tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên đến tù chung thân.

Theo luật sư Hòe, dấu hiệu bắt buộc của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác, ví dụ như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội sử dụng nhiều cách khác nhau như: bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, giả danh các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua việc ký kết hợp đồng…

Thực tế để xác định hành vi gian dối, thường căn cứ vào các chứng từ, tài liệu, giấy tờ giả (như Hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất, giấy vay tiền…) mà đối tượng dùng để tạo niềm tin cho chủ tài sản, làm cho chủ tài sản tin để giao tài sản để xác định.

Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ.

Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản. 

Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản.

Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản sảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản.

Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận

Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh được biết đến là một đại gia trong giới bất động sản. Tập đoàn do ông đứng đầu thực hiện nhiều dự án sang trọng nằm ở các vị trí đắc địa. Tuy nhiên, đi liền với tên tuổi đó là những lùm xùm liên quan đến các dự án.

Cuối năm 2021, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây xôn xao dư luận khi mua trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên sau đó Tân Hoàng Minh đã "bỏ chạy" khỏi lô đất "vàng" ở Thủ Thiêm và ông Đỗ Anh Dũng có tâm thư xin chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lý do mà ông Dũng đưa ra để giải thích cho việc bỏ cọc đấu giá lô đất trên là để "bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên...".

Thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm tiếp tục gây xôn xao dư luận. Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem