Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt, 9 lô trái phiếu bị hủy: Nhiều trái chủ "phải vạ"

Huyền Anh Thứ ba, ngày 05/04/2022 20:00 PM (GMT+7)
Thông tin Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt cùng với 9 đợt phát hành trái phiếu bị huỷ, ông Đỗ Anh Dũng khiến không ít nhà đầu tư, nhiều trái chủ "phải vạ".
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đã đưa tin, ngày 4/4, thông tin từ Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị can Đỗ Anh Dũng và 06 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để điều tra hành vi vi phạm đấu giá đất.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt bán trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh với giá trị 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến T3/2022.

Việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt cùng với việc 9 lô trái phiếu bị huỷ khiến cho không ít nhà đầu tư phải vạ.

Trái chủ của các lô trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh là ai?

Trong 9 lô trái phiếu bị hủy bỏ thì có 8 lô với tổng giá trị 8.130 tỷ đồng đã được công bố thông tin trên HNX. 

Trong đó, chỉ riêng lô trái phiếu có quy mô lớn nhất 3.230 tỷ đồng, mã số WTPCH2125003, phát hành ngày 16/12/2021 không có thông tin về danh sách nhà đầu tư đã mua. 7 lô trái phiếu còn lại, trái chủ đều là các nhà đầu tư tổ chức, trong đó các tổ chức tín dụng đã tham giao mua ít nhất 3 đợt phát hành trái phiếu từ nhóm này.

"Vạ lây" vì 10.030 tỷ trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh bị thu hồi, nhà đầu tư có thu được tiền? - Ảnh 1.

Chi tiết 8 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh vừa bị hủy. (Ảnh: LT)

Cụ thể, đợt phát hành ngày 20/9/2021 trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Công ty Ngôi Sao Việt, 1 tổ chức tín dụng (TCTD) đã tham gia vào đợt phát hành.

TCTD cũng tham gia vào 2 đợt phát hành khác là lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Công ty Soleil phát hành ngày 1/11/2021 và lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm phát hành ngày 6/7/2021.

2 lô trái phiếu còn lại chỉ được biết là do một nhà đầu tư tổ chức đã mua toàn bộ.

Kết quả phát hành trái phiếu không đề cập đích danh tên của các trái chủ, tuy nhiên theo thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo (Bộ Tư pháp), các đơn vị nhận đảm bảo cho khoản vay gồm VietinBank, SHB, Công ty tài chính CP Điện lực.

Trong khi đó, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu là Chứng khoán KIS Việt Nam, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Agribank, Chứng khoán ABBank.

Trái chủ liệu có thu được tiền?

Theo một chuyên gia kinh tế, để hoàn trả hoặc thanh toán hoặc mua lại trái phiếu mà chưa có tiền thì doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu mới. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, liệu có ngân hàng nào sẵn sàng cho vay? Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại mua trái phát hành để trả nợ tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN.

Chia sẻ với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết: Việc phát hành trái phiếu diễn ra khá lâu, nguồn tiền mà doanh nghiệp huy động về đã được doanh nghiệp sử dụng. Do đó, việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh sẽ nảy sinh ra các vấn đề.

Thứ nhất, các trái chủ sẽ ''đòi lại tiền'', người phát hành trái phiếu phải thực hiện trả lại tiền. Tân Hoàng Minh hứa sẽ trả nhưng vấn đề hiện nay là tiền ở đâu để trả.

Hai là, trong trường hợp không có tiền để trả thì phải xử lý tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có xử lý được không? điều này phụ thuộc vào tính thanh khoản và biến động giá của tài sản.

Ba là, việc hủy trái phiếu là của cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng nhất là tại sao cơ quan chức năng lại hủy 9 đợt phát hành của họ mà chưa có lý do cụ thể.

"Nếu như cơ quan chức năng chưa đưa ra được lý do cụ thể doanh nghiệp sai ở đâu, chỗ nào mức độ ra sao, dẫn tới việc phải hủy bỏ thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có trách nhiệm phải trả ngay tiền cho trái chủ. Và ở đây, trách nhiệm đối với trái chủ phải bao gồm cả cơ quan chức năng chứ không chỉ là người phát hành. Người tuyên hủy phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các trái chủ, kể cả bảo vệ cả quyền lợi của người phát hành trái phiếu khi tuyên hủy", ông Ánh nhấn mạnh.

Trong thông điệp phát đi sáng nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đưa ra tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng.

Cụ thể, đối với các Hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Đối với các Hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại Khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông Nghĩa cho rằng, trong trường họp hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, nếu đơn vị phát hành không có khả năng thanh toán, đơn vị bảo lãnh thanh toán ở đây là Tân Hoàng Minh chẳng hạn sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp Tân Hoàng Minh không có khả năng thanh toán, thì sẽ thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh đã cam kết thanh toán cho nhà đầu tư.

"Theo quan điểm cá nhân tôi, trước khi ra quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, các bên có liên quan đã phải xem xét rất cận thận và buộc Tân Hoàng Minh phải cam kết, không chỉ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà cam kết với các cơ quan an ninh, sẽ phải thanh toán đầy đủ tiền cho nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh cũng đã tuyên bố như vậy. Cam kết này không phải vu vơ mà là cam kết "dao kề cổ", phải có sự giám sát của Chính quyền. Hơn nữa, mục tiêu của Ủy ban Chứng khoán là bảo vệ bằng được nhà đầu tư, bảo vệ bằng được thị trường trái phiếu. Vì vậy, tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể yên tâm", ông Nghĩa chia sẻ với Dân Việt.

Số phận của các Dự án

Vậy còn số phận của các dự án đang được Tân Hoàng Minh triển khai liệu có bị ảnh hưởng? Ông Ánh cho rằng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hủy tức là tất cả dòng tiền đó không còn, như vậy các dự án liên quan đến 10.000 tỷ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ có những dự án có thể phải dừng lại vì thiếu vốn.

Thống kê từ 8 đợt phát hành trái phiếu vừa bị hủy của nhóm Tân Hoàng Minh cho thấy, ngoài lô trái phiếu được huy động với giá trị lên tới 3.230 tỷ đồng chưa rõ mục đích sử dụng vốn, thì có 5/7 đợt phát hành còn lại với giá trị 2.200 tỷ đồng của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh để rót vào Dự án khu phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc.

"Vạ lây" vì 10.030 tỷ trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh bị hủy, nhà đầu tư có thu hồi được tiền? - Ảnh 3.

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh tại lễ khởi côngTổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí với tổng đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng. (Ảnh: Tân Hoàng Minh)

Được biết, sáng 29/12/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tổ chức lễ khởi công Tổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí với tổng đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.

Tại sự kiện này, Chủ tịch Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng cho biết: Dự án trọng điểm đầu tiên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại tỉnh Kiên Giang kỳ vọng sẽ là mảnh ghép hoàn hảo vào công cuộc thực hiện mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành thành phố du lịch văn minh, thông minh và ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh còn phát hành trái phiếu để tái khởi động một dự án dang dở hàng chục năm đó là dự án đầu tư xây dựng dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt (Hà Nội). Số tiền huy động từ đợt phát hành này là 1.900 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem