Giải pháp mà Quyết định này đưa ra là tái cơ cấu và tổ chức lại một cách quyết liệt, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu trong các doanh nghiệp tư nhân. Trong những năm qua nhiều Tổ chức, Viện nghiên cứu khoa học Tư nhân trực thuộc Liên Hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng như các Liên hiệp các Hội KHKT trực thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lần lượt ra đời và đang ngày càng chứng minh sự thích ứng nhanh chóng của mô hình này trong quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Công, Chủ tịch sáng lập Viện Công nghệ GFS, Tập đoàn GFS.
Ông Phạm Thành Công, Chủ tịch sáng lập Viện Công nghệ GFS, Tập đoàn GFS.
Thưa ông, có rất nhiều lý do thúc đẩy sự ra đời của Viện công nghệ trong các doanh nghiệp tư nhân. Với riêng Viện công nghệ GFS, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc xuất hiện của Viện trong Tập đoàn GFS?
- Việc thành lập Viện công nghệ GFS trực thuộc Tập đoàn GFS xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thuận theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu.
Với sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi xã hội hóa hoạt động KH&CN để phát huy cao nhất, nhanh nhất tiềm năng, nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, đòi hỏi một con đường ngắn nhất để khoa học công nghệ đi vào sản xuất, là động lực mạnh thúc đẩy năng suất lao động và tạo sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật doanh nghiệp và Luật Khoa học công nghệ có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nền kinh thế thị trường. Vì vậy, Viện công nghệ GFS được thành lập không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao hàm lượng công nghệ trong giá trị sản phẩm của GFS mà còn phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại và hành lang pháp lý cho phép.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn nền kinh tế Việt Nam có khá nhiều lĩnh vực, vậy theo ông, với Việt Nam trong giai đoạn này cần ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực nào trước?
Chỉ có khoa học mới tạo nên sự đột phá và phát triển bền vững.
- Việt Nam là một trong bốn tiểu vùng khí hậu đặc biệt phù hợp với phát triển nông nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng.70% dân số Việt Nam là nông dân, có thể nói chúng tađã qua giai đoạn cần ‘Ăn no” mà đang đòi hỏi tiến tới giai đoạn chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường. Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực,kim ngạch xuất khẩu nông sản 2018 vượt 40 tỷ đô la.Năm 2019 cũng đang hứa hẹn những tầm cao mới.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước vận hội và thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới và Việt Nam đang phủ kín toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp, từ gen, giống, tới nuôi trồng, chế biến, thương mại điện tử…. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt, khô hạn, môi trường và đất bị ô nhiễm, thoái hóa do dùng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; Sản phẩm nông nghiệp theo quy mô công nghiệp, sản xuất hàng loạt còn hạn chế do việc tích điền còn gặp khó khăn, ruộng đất còn manh mún, lãng phí; Vị thế - uy tín của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế còn rất khiêm tốn, giá trị gia tăng chưa cao.
Từ các đặc thù nêu trên, năm 2019 và những năm tiếp theo, chúng ta cần ưu tiên các giải pháp mạnh đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng nông nghiệp theo xu thế thời đại, phát triển nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là dược liệu hữu cơ. Trong những năm tới, cần định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp phải có thương hiệu – Có giá trị gia tăng cao – Bền vững – Đặc sắc của Việt Nam, khiến thị trường khó tính của thế giới phải ngưỡng mộ.
Song song với đó, tôi cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần phải hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng và truy xuất nguồn gốc; Điều tiết chính sách thông qua chính sách thuế Doanh nghiệp, thuế Nông nghiệp, thuế Tài nguyên, thu hút các nhà đầu tư nông nghiệp hiệu quả trên 1 ha ruộng đất, tránh lãng phí đất, lãng phí tư liệu sản xuất. Đồng thời, phải ưu tiên đào tạo nâng cao khoa học công nghệ, văn hóa cho các thế hệ nông dân thời đại mới;Ưu tiên các giải pháp thiết thực thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bền vững – đặc sắc trên thị trường quốc tế. Tất cả cần hướng tới một nền nông nghiệp Năng suất – Hiệu quả - Bền vững, cải thiện đời sống nông dân, thúc đẩy du lịch, điều dưỡng đồng hành phát triển.
Thưa ông, Viện công nghệ GFS là một trong những đơn vị có khá nhiều hoạt động hợp tác ở tầm quốc tế. Vậy trong quá trình làm việc với các đối tác này, họ nhận xét như thế nào về sự đổi mới về cơ chế, chính sách của Việt Nam để thích ứng với quốc tế?
Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao - 1 trong những lĩnh vực được Viện công nghệ GFS chú trọng.
- Nhiều nhà khoa học, đối tác công nghệ nước ngoài đánh giá rất cao về sự đổi mới kinh tế, đổi mới KHCN của Việt Nam. Điểm mấu chốt được các đối tác ghi nhận đó là chính sách đổi mới của chính phủ Việt Nam tạo ra hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế cởi mở, đổi mới, năng động, đặc biệt sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, một số đối tác KHCN nước ngoài còn e ngại thị trường Việt Nam về hạ tầng kỹ thuật cho KHCN còn thiếu; Lực lượng chuyên gia KHCN còn chưa đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa cao; Hành lang pháp lý bảo vệ bản quyền công nghệ còn hiệu lực thấp; Tính ổn định về hành lang pháp lý chưa cao; Chính sách thu hút nhân tài, chất xám chưa được cụ thể, chưa có tính hấp dẫn và tôn vinh nhân tài.
Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục hạn chế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác để thích ứng với quốc tế.
Vậy trong năm nay, dự kiến những ứng dụng khoa học công nghệ nào được Viện công nghệ GFS áp dụng vào thực tiễn, thưa ông?
- Trong năm nay, các nhà khoa học của Viện Công nghệ GFS sẽ tiếp tục tích cực, chủ động hợp tác cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tích hợp các công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, đặc biệt đi thẳng vào các nhu cầu bức thiết của Việt Nam như:Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao; Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng, đặc biệt tích hợp các công nghệ xử lý nước nuôi tôm; Công nghệ sản xuất vật liệu mới như vermiculite, Neoweb; Công nghệ xử lý nước sinh hoạt và nước thải môi trường; Công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ đạt trình độ cao.
Ngay những ngày đầu năm 2019,Viện Công nghệ GFS đã liên tục triển khainhiều hoạt động quan trọng, tiếp tục tích hợp công nghệ với đối tác ở nhiều nước trên thế giới như Israel, Hà Lan, Ba Lan, Ukraina, Nga, Nhật Bản…, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng như: Môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng hoàn nguyên, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc. Đặc biệt, Viện Công nghệ GFS đã chuẩn bị những giống cây trồng có hiệu quả cao, có thể thay thế cây keo, cây bạch đàn, có thể trồng tại vùng nước lợ. Với những công nghệ mới này, Viện Công nghệ GFS đã và đang xúc tiến áp dụng vào nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu.
Chúng tôi tin rằng khi công nghệ được áp dụng vào các địa phương sẽ góp phần tạo ra một nông thôn Hiệu quả - Bền vững – Văn hóa, góp phần thúc đẩy các sản phẩm đồng hành như du lịch điều dưỡng đặc sắc và là bà đỡ cho các sản phẩm Ocop đặc sắc của các địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.