Chủ tịch Techcombank: Tăng vốn không để pha loãng giá trị cổ phiếu

Trần Giang Thứ bảy, ngày 15/04/2017 14:03 PM (GMT+7)
Trước phản ánh của cổ đông về việc 6 năm qua Techcombank không chia cổ tức cho cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, khuyến nghị trong trường hợp nhà đầu tư cần giao dịch, có thể bán bớt một phần cổ phiếu Techcombank đang nắm giữ.
Bình luận 0

img

Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Techcombank được tổ chức sáng nay tại HN. (Ảnh: M.H)

Sáng nay, ngày 15.4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Nhiều vấn đề đã được cổ đông xới lên, nhưng có lẽ nóng nhất vẫn là câu chuyện cổ tức.

Nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với HĐQT về việc từ năm 2010 tới nay Techcombank không chia cổ tức? “Tôi muốn hỏi vì sao ngân hàng lại đi ngược xu hướng như vậy?”, một cổ đông chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ rằng ngân hàng hiểu mong đợi của cổ đông, nên luôn xác định rõ sứ mệnh của mình là “mang lại cho cổ đông những lợi ích hấp dẫn, lâu dài”.

“Đối với mọi chính sách liên quan đến quyền lợi của các cổ đông, ngân hàng luôn tuân theo quyết định từ ĐHĐCĐ, thông qua các lá phiếu biểu quyết. Vì vậy, quyết định của ĐHĐCĐ về việc có chia cổ tức hay không sẽ là ý kiến cuối cùng và HĐQT Techcombank sẽ thực thi theo”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Ông Hùng Anh cho biết thêm, trong mọi trường hợp, dù chia hay không chia cổ tức, lợi nhuận đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông.

“Không ai mong muốn cổ phiếu của chúng ta được giao dịch ở giá trị chỉ 10.000 VNĐ/cổ phiếu, mà muốn tăng cao hơn như vậy nhiều lần. Nếu ĐHĐCĐ quyết định chưa chia cổ tức cũng là để tái đầu tư dài hạn, nhằm tạo ưu thế tài chính cho ngân hàng, từ đó, gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo giá trị tăng thêm của mỗi cổ phiếu mà các cổ đông đang nắm giữ”, ông Hùng Anh giải thích thêm.

Với tốc độ tăng trưởng tài sản, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank ấn tượng như thời gian qua, với giá trị cổ phiếu đang có được, thì các cổ đông là người kết luận chính xác nhất đâu là kênh đầu tư hiệu quả.

“Trong trường hợp nhà đầu tư cần giao dịch, có thể bán bớt 1 phần cổ phiếu. Hiện cổ phiếu đã có mức giá trị gia tăng nhất định trên thị trường”, ông Hùng Anh khuyến nghị.

Sau khi thông tin Techcombank sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HSX), cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng mạnh, hiện đang được giao dịch trên sàn OTC với giá khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, thông tin về thời gian niêm yết cổ phiếu của Techcombank tại ĐHĐCĐ không rõ ràng khiến không ít cổ đông thất vọng.

Tại ĐHĐCĐ, ông Hùng Anh cho biết ngân hàng trình cổ đông kế hoạch niêm yết trên HSX và ủy quyền cho HĐQT triển khai các thủ tục và làm việc với cơ quan quản lý để hoàn tất việc niêm yết.

“Hiện HĐQT đang trình kế hoạch cho cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, sau khi được chấp thuận sẽ niêm yết. Tuy nhiên HĐQT sẽ quyết định niêm yết trên sàn nào có lợi hơn cho cổ đông”, ông Hùng Anh cho biết.

img

Trao đổi giữa cổ đông và thành viên HĐQT Techcombank bên lề đại hội đồng cổ đông. (Ảnh: M.H)

Việc không chia cổ tức nhưng lại tăng vốn điều lệ khiến không ít cổ đông khó hiểu. Sau một thời gian rất dài không chia cổ tức và tăng vốn, năm 2017, HĐQT Techcombank đã quyết định tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng thành công là hơn 13.878 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Hùng Anh cho rằng việc tăng vốn điều lệ của Techcombank là cần thiết nhằm giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh.

“Trước mắt, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng và chuẩn bị cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ của Basel II”, ông Hùng Anh cho biết.

Hơn nữa, vốn tự có là vấn đề quan trọng nhất là để quyết định mức độ có thể mở rộng quy mô tổng tài sản, giám sát chất lượng tài sản của ngân hàng.

“Việc tăng vốn không phải lúc nào cũng có thể thực hiện, mà chỉ tiến hành tại thời điểm phù hợp, đồng thời phải mang được giá trị tăng thêm cho các nhà đầu tư hiện hữu. Chứ không phải tăng vốn để pha loãng giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ”, ông Hùng Anh giải thích.

Tuy vậy, không ít cổ đông vẫn băn khoăn về khả năng tăng vốn điều lệ của Techcombank khi mà đã 6 năm rồi ngân hàng này không trả cổ tức và dự kiến cổ đông còn thêm 4 năm nữa không được chia cổ tức. Có bao nhiêu cổ đông đủ kiên nhẫn chờ đợi đến năm 2020 để chờ đợi cổ tức của Techcombank và tìm kiếm lợi nhuận qua kênh lướt sóng cổ phiếu của ngân hàng này trên sàn chứng khoán?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem