Cổ đông Techcombank được gì sau 5 năm không một đồng cổ tức?

Trần Giang Thứ năm, ngày 26/05/2016 12:50 PM (GMT+7)
Không chỉ lỗ về giá, cổ đông của Techcombank không được nhận một đồng cổ tức nào từ ngân hàng suốt 5 năm qua.
Bình luận 0

img

Đầu tư thua lỗ, trắng tay cổ tức

Năm 2009 được coi là năm đỉnh điểm của cổ phiếu ngân hàng và Techcombank là một trong những ngân hàng được giao dịch trên thị trường OTC với giá cổ phiếu rất cao, đỉnh điểm lên tới 32.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, cổ phiếu ngân hàng bị tuột dốc và Techcombank cũng không ngoại lệ. Năm 2011, cổ phiếu Techcombank được giao dịch trên thị trường ở mức dưới mệnh giá, khoảng 8.000 – 9.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, sau khi có thông tin ngân hàng sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán HNX hoặc HOSE, giá cổ phiếu của Techcombank tăng lên nhưng cũng chỉ quanh mức giá từ 11.800 – 13.200 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ lỗ về giá, cổ đông của Techcombank còn không được nhận một đồng cổ tức nào từ ngân hàng suốt 5 năm qua. Kể từ năm 2011 đến nay, Techcombank bắt đầu thực hiện chính sách không trả một đồng cổ tức nào cho cổ đông với lý do muốn giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, nhấn mạnh việc không chia cổ tức là vì Techcombank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về Basel II.

“Nếu chúng ta phát triển được để đạt được kỳ vọng quy mô và lợi nhuận thì việc ưu tiên hàng đầu đủ vốn chủ sở hữu để đạt đủ điều kiện an toàn về vốn, nếu trong trường hợp việc phát triển không cần thiết số vốn như vậy thì chúng ta chia cổ tức, còn các chỉ số cho rằng cần phải tăng vốn thì chúng ta phát hành cổ phiếu để tăng vốn để phát triển ngân hàng. Mọi trường hợp nào thì chia hay không chia đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông”, ông Anh giải thích.

Vậy sau 5 năm không chia cổ tức, năng lực cạnh tranh của Techcombank thế nào? Xét cả trên phương diện lợi nhuận, tổng tài sản, vốn điều lệ, Techcombank thực sự không phải là ngân hàng vượt trội trong hệ thống, nếu chưa muốn nói là bị nhiều ngân hàng “qua mặt”.

Tính từ năm 2011, thời điểm bắt đầu không chia cổ tức của Techcombank, tổng tài sản của ngân hàng là 180.531 tỷ đồng và đến năm 2015 tăng lên 191.993 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt 5 năm không trả cổ tức, tổng tài sản của Techcombank chỉ tăng vỏn vẹn được 11.462 tỷ đồng.

Vốn điều lệ thì gần như không tăng. Năm 2011, vốn điều lệ của Techcombank là 8.788 tỷ đồng thì năm 2015 chỉ tăng nhẹ lên 8.878 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng.

Lợi nhuận càng làm cổ đông buồn khi năm 2011 đạt 4.221 tỷ đồng nhưng ngày càng tụt dốc trong những năm sau đó. Đến năm 2015 có tăng lên nhưng lợi nhuận trước thuế cũng chỉ ở mức 2.037 tỷ đồng, chỉ bằng nửa so với năm 2011. Không chỉ sụt giảm về lợi nhuận, trích lập dự phòng rủi ro tăng vọt từ 341 tỷ đồng (năm 2011) lên 3.623 tỷ đồng (năm 2015). Lãi cơ bản trên cổ phiếu của Techcombank mặc dù có phục hồi nhưng vẫn chưa về mức của năm 2011. Cụ thể, năm 2011, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 2.902 đồng/cổ phiếu, đến năm 2015 là 1.694 đồng/cổ phiếu.

Năng lực cạnh tranh đang “tụt dốc”?

So với một vài ngân hàng có quy mô tương đương, Techcombank đã không tạo được năng lực cạnh tranh và liên tục xin “khất” cổ tức của cổ đông trong 5 năm qua.

Một ví dụ điển hình là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Năm 2011, tổng tài sản của MB là 134.699 tỷ đồng, vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng (thấp hơn Tecombank). Nhưng đến năm 2015, tổng tài sản của MB tăng vọt lên 221.041 tỷ đồng, vốn điều lệ là 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.220 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 1.902 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng nói, MB không hề “khất” cổ tức của  cổ đông và luôn chia ở mức cao bằng tiền mặt. Năm 2011, MB đã chia cổ tức với tỷ lệ 17%, năm 2012 là 12%, năm 2013 và 2014 là 10% đều bằng tiền mặt. Riêng năm 2015, MB chia cổ tức là 10% với tỷ lệ 5% là tiền mặt, 5% là cổ phiếu.

Thời điểm đó, để tăng năng lực cạnh tranh của mình, MB đã chọn giải pháp niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2011) để thu hút vốn, minh bạch thông tin. Từ đó đến nay, MB luôn là ngân hàng được nhà đầu tư đánh giá cao, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài và thương hiệu MB ngày càng lớn mạnh trên thị trường.

Một ví dụ khác để thấy năng lực cạnh tranh của Techcombank  trên thị trường khi so sánh với ngân hàng VPBank.

Năm 2011, VPBank là một ngân hàng thuộc "nhóm dưới" Techcombank với tổng tài sản kém xa Techcombank với 82.817 tỷ đồng, vốn điều lệ chỉ 5.051 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.064 tỷ đồng. Nhưng với sự năng động của mình, đến năm 2015, VPBank đã đuổi kịp Techcombank với tổng tài sản tương đương là 193.876 tỷ đồng, vốn điều lệ là 8.056 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.096 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu là 3.072 đồng/cổ phiếu.

VPBank cũng không năm nào “khất” cổ tức của cổ đông. Năm 2011, VPBank chia cổ tứcvới tỷ lệ 13.46% bằng cổ phiếu, năm 2012 là 10,5% bằng cổ phiếu, năm 2014 là 14,69% bằng cổ phiếu nhưng không thành công và tiếp tục thực hiện trong năm 2015.

Vậy cổ đông được gì sau 5 năm đầu tư vào Techcombank với 0 đồng cổ tức và ngân hàng cũng không nâng cao thêm được vị thế của mình trên thị trường?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem