Chiều 11.7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX bước vào phiên báo cáo và thảo luận chương trình giám sát chuyên đề quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM.
Triển khai nhanh dự án bán đảo Thanh Đa
Về dự án bán đảo Thanh Đa bị treo 20 năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thay mặt lãnh đạo TP. HCM xin lỗi người dân.
“Xin chia sẻ khó khăn với người dân quận Bình Thạnh trong vùng dự án, tôi cũng đã thấy được những bức xúc của bà con nơi này”, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về dự án bán đảo Thanh Đa. Ảnh: H.V
Chủ tịch TP.HCM cho biết, khi còn làm ĐBQH đắc cử tại quận Bình Thạnh, ông đã nghe được những bức xúc về dự án. “Về thành phố với cương vị Chủ tịch, tôi đã hỏi các ngành chức năng và mời nhà đầu tư làm việc, có trục trặc thì phải kiểm tra, nhà đầu tư phải cam kết thực hiện, nếu không TP sẽ thu hồi. Chủ đầu tư đã cam kết tiếp tục thực hiện.
Trước đây, dự án do Liên doanh công ty nước ngoài và trong nước thực hiện, nhưng doanh nghiệp (DN) nước ngoài rút, trong khi DN trong nước cam kết sẽ làm tiếp, nhưng trách nhiệm của UBND TP là phải thẩm định năng lực của nhà đầu tư”, ông Phong hứa.
Trước HĐND, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết với các đại biểu sẽ triển khai nhanh dự án này. Ông nói: “Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh người dân trong đó sẽ thấy thế nào. Để nỗi khổ của người dân trong dự án cứ kéo dài, có trách nhiệm của chính quyền TP".
Thu hồi dự án, trả lại quyền sử dụng đất cho dân
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng giải trình với đại biểu. Ảnh: H.V
Trả lời về vấn nạn dự án treo, chậm triển khai đang thu hồi… ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, đã có 575 dự án bị thu hồi, đang rà soát 1.400 dự án chậm triển khai, không có khả năng triển khai.
Theo đó, TP chia thành ba nhóm để triển khai quá trình thu hồi. Nhóm thứ nhất: 3 năm không triển khai thì thu hồi, hủy dự án; nhóm thứ hai là đã giao quận, huyện thu hồi nhưng chưa thu hồi được thì báo cáo để tiếp tục triển khai; nhóm thứ 3 là những dự án từ năm 2017 trở về trước nếu chậm cũng thu hồi và hủy dự án.
“Khi thu hồi dự án, người dân sẽ được hưởng lợi gì? Đó là trả lại các quyền sử dụng đất, người dân sẽ được quyền cấp giấy chứng nhận, được thế chấp, góp vốn, mua bán…”, ông Thắng khẳng định.
Trước đó, các đại biểu đặt vấn đề tập trung vào việc quản lý, khai thác và sử dụng đất công cũng như dự án treo, chậm triển khai…
Sở Tài chính cho rằng, khó quản lý hết đất công một mình, nếu không có sự hợp tác của các cơ quan ban ngành cũng như các DN sử dụng đất công.
Đại Biểu Phan Nguyễn Như Khuê đặt vấn đề dự án treo. Ảnh: Hồ Văn
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu trường hợp Công ty Thăng Long ở Tân Bình vi phạm xây dựng, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo xử lý rất quyết liệt. Người dân mong chờ thêm những động thái quyết liệt như thế để loại trừ được những dự án mà năng lực DN không đủ khả năng thực hiện.
Qua báo cáo giám sát, ông Khuê cho rằng, tài nguyên đất của TP trong từng giai đoạn, từng thời điểm bị buông lỏng quản lý, có những dự án nhằm vào khu dân cư hiện hữu để quy hoạch, trong khi có nhiều khu đất để hoang phí. “Mặt bằng kho bãi, nhà xưởng đang sử dụng không đúng, đang lãng phí, cần giám sát để đưa vào xây dựng công trình công cộng như trường học, y tế. Tài sản công còn một tỉ lệ khá cao không được khai thác hiệu quả… Tôi mong vấn đề này trong năm 2019 sẽ tốt hơn”, ông Khuê nói
Đại biểu Khuê kiến nghị, cần kiên quyết xử lý các dự án treo kéo dài, gây hệ lụy cho người dân. “Cử tri phản ánh dự án bán đảo Thanh Đa treo hơn 20 năm, cư dân đông đúc đang sống khốn khổ khi nhà cửa, giao thông xuống cấp, ngập lụt, gây mầm mống bệnh... Tôi có gặp một thanh niên sinh ra ở Thanh Đa 25 năm. Cuộc sống của anh ấy cũng như người dân ở đây không thay đổi, thậm chí còn tệ hơn. Khu D1, D2 ở Văn Thánh, Bình Thạnh cũng hơn 17 năm để hoang hóa, dự án treo kéo dài… Cử tri gặp chúng tôi kiến nghị đã lâu”, ông Khuê nói thay lời cử tri.
Ông Khuê cũng cho rằng, việc cấp giấy chủ quyền đất, tài sản trên đất cũng chậm và kéo dài, khiến người dân chịu nhiều phiền phức.
Đại biểu Phan Thanh Bình thừa nhận, khi tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra, thì có chuyển biến trong công tác quản lý. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, cần lưu ý chỉ đạo sâu hơn. Có hiện tượng lấn chiếm đất công, sau đó dẫn đến tranh chấp đất đai. Việc điều chỉnh chậm, xác định ranh giới cũng chậm.
Đại biểu Phan Thanh Bình nêu ý kiến. Ảnh: H.V
“Việc cho thuê sai thẩm quyền, sai mục đích hầu hết đều xảy ra tại các địa phương. Quá trình quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình trạng nợ tiền thuê nhà đất nhiều năm, có đơn vị nợ trên 70 tỷ đồng… Nợ nhiều nhất là các HTX, cần xem xét lại, vì có hiện tượng thuê đất rồi cho thuê lại”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, TP cần đánh giá kỹ vấn đề hợp tác kinh doanh, rất nhiều địa chỉ đất vàng nhưng thực tế bản chất là cho thuê giá rẻ bèo. "Lãng phí đất công, cho thuê giá rẻ bèo khiến dân bức xúc, tiền chảy vào túi riêng… trong khi cơ sở y tế, trường học chật chội", ông Bình nhận xét.
Chuyện "xẻ thịt công viên" làm nóng nghị trường
ĐB Thi Thị Tuyết Dung đặt câu hỏi về vấn đề công viên bị “xẻ thịt”. Theo bà Dung, đất công viên Tao Đàn, Gia Định, Phú Lâm đang bị chiếm dụng sử dụng không đúng mục đích.
Đại biểu Dung đặt vấn đề về việc công viên bị xẻ thịt. Ảnh: H.V
Như công viên Phú Lâm bị chiếm dụng khai thác tới 38%, công viên Lê Thị Riêng bị chiếm dụng khai thác 20%, công viên Tao Đàn 8% cho thuê… dẫn đến việc khó phục vụ người dân tốt nhất. Đó là chưa nói việc cho thuê không qua đấu thầu… Qua ý kiến của cử tri, bà Dung đề nghị UBND TP.HCM rà soát, kiểm tra xử lý vấn đề này.
Trước đó, ngày 8.7, báo Dân Việt đã phản ánh tình trạng công viên ở TP.HCM bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích… Trả lời vấn đề này, ông Vũ Văn Điệp - Trưởng Phòng quản lý công viên, cây xanh (Sở GTVT) cho hay, tình trạng chiếm dụng là có và đa số do trung tâm phát triển quỹ đất và các quận, huyện ký hợp đồng cho thuê. “TP.HCM chỉ đạo đến hết năm 2018 sẽ kết thúc hợp đồng cho thuê, di dời hết các công trình chiếm dụng, trả lại đúng công năng cho công viên", ông Điệp cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.