Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Cần có hội đồng vùng để Đông Nam bộ bứt phá
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Cần có hội đồng vùng để kinh tế Đông Nam bộ bứt phá
Quốc Hải - Nha Mẫn - Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 26/11/2022 11:34 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng để khu vực Đông Nam bộ bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 24, cần sớm củng cố thành phần hội đồng vùng, cơ chế hoạt động cho hội đồng này trong việc điều phối các công trình trọng điểm.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm để phát triển khu vực Đông Nam bộ, tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 26/11, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng để khu vực Đông Nam bộ bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội cần sớm củng cố thành phần hội đồng vùng, cơ chế hoạt động cho hội đồng này trong việc điều phối các công trình trọng điểm. Ảnh: BTC
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045, về cơ chế triển khai, Nghị quyết và chương trình hành động rất hay, rất ý nghĩa nhưng quyết định nằm ở khâu triển khai.
“Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm củng cố thành phần hội đồng vùng và cơ chế hoạt động cho hội đồng, trong đó, quy định rõ cơ chế hoạt động của hội đồng trong triển khai quy hoạch vùng cũng như quy hoạch các địa phương, quy chế hoạt động của hội đồng vùng trong điều phối các công trình trọng điểm của vùng”, ông Mãi đề xuất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp, nguồn có thể từ các nhà tài trợ quốc tế, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương.
“Mô hình vốn cho Vành đai 3 rất tốt khi kết hợp vốn trung ương và địa phương. Chúng tôi rất mong muốn chúng ta có quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng, kêu gọi nhà tài trợ quốc tế, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương thì chúng ta sẽ giải quyết nhanh hơn các vấn đề giao thông vùng”, ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hạ tầng là một phần rất quan trọng để phát triển kinh tế vùng. TP.HCM tập trung phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội trong đó tập trung hạ tầng, đường sắt đô thị, cao tốc kết nối theo các dự án theo như chương trình hành động, đường sắt kết nối trong đó có đường sắt kết nối với Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, hệ thống logistic cảng của vùng, đường ven biển, đường thủy kết nối vùng và với đồng bằng sông Cửu Long.
“TP.HCM đề xuất cùng với Bộ GTVT, các bộ ngành và các tỉnh trong vùng nghiên cứu phát triển mạng lưới đường sắt kết nối vùng Đông Nam bộ, phát triển trên mô hình TOD, TP đang báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, ban hành và khi có Nghị quyết chính thức sẽ tổ chức có hiệu quả các cơ chế đặc thù phát triển TP, góp phần phát triển vùng và cả nước”, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị.
Theo lãnh đạo TP.HCM, TP cũng đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai chương trình hành động và kế hoạch thực hiện vào tháng 12 tới. TP.HCM sẽ tập trung xây dựng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng, sớm triển khai 7 đề án, 9 dự án theo phân công của chương trình hành động và tích cực tham gia với các Bộ ngành Trung ương, các địa phương trong vùng triển khai các công việc chung.
Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết với Chính phủ sẽ hành động với trách nhiệm cao nhất, thực hiện hóa Nghị quyết 24 và đóng góp chung vào sự phát triển chung vùng và cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.