Hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ

Quốc Hải - Hồng Phúc - Nguyễn Nhâm Thứ bảy, ngày 26/11/2022 10:07 AM (GMT+7)
Dù là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng tính đến nay, vùng Đông Nam bộ chỉ mới đưa vào khai thác 95km/911km cao tốc theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tại các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không ngày càng nghiêm trọng…
Bình luận 0
Hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát sân bay Long Thành. Ảnh: Nha Mẫn

Theo dự báo, nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu…

Chỉ mới đưa vào khai thác 95km/911km cao tốc theo quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho hay, dự báo nhu cầu vận tải trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy vùng Đông Nam bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ.

Cụ thể, theo ông Thắng, các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) nhiều đoạn đã mãn tải, trong khi hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai rất chậm.

Hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Q.H

"Tính đến nay, vùng chỉ mới đưa vào khai thác 95km/911km cao tốc theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, tại các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không ngày càng nghiêm trọng.

Có thể nói, hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là "nút thắt" ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng", ông Thắng nói.

Vùng Đông Nam bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vùng đang đóng góp khoảng 32% GDP của cả nước; đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên nhân khiến việc đầu tư hạ tầng giao thông chậm chạm như thời gian qua, là: Công tác lập quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ; Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giữa các địa phương trong vùng còn thiếu đồng bộ, chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng.

"Ngoài ra, còn do nguyên nhân là thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực và nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; chưa đẩy mạnh công tác phân cấp về đầu tư, quản lý khai thác hạ tầng giao thông. 

Đặc biệt, việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP các dự án giao thông vận tải chưa thực sự hiệu quả", ông Thắng nói thêm.

Hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Công trường Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Nguyễn Nhâm

Hiện, Bộ GTVT đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 trong 5 quy hoạch ngành quốc gia sẽ là cơ hội tốt để tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh trong vùng góp phần hình thành một hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh, đồng bộ.

Dự kiến dành  413.000 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, kế hoạch của Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2026, tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải như: Đường Vành đai 3 TP.HCM (92km), các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (52km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai), Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (54 km), Bến Lức - Long Thành (58 km), mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

"Trong giai đoạn 2021 - 2026, phấn đấu nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam bộ lên khoảng 348 km", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng cố gắng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư và khởi công một số tuyến cao tốc như: Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Dầu Giây - Tân Phú…

Hạ tầng giao thông vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

"Đại công trường" sân bay Long Thành. Ảnh: Nguyễn Nhâm

"Tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước dự kiến bố trí 93.215 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 74.531 tỷ đồng", ông Thắng chia sẻ.

Đến năm 2030, ngành giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong Vùng theo quy hoạch được duyệt cụ thể: đường vành đai 4 TP.HCM; các tuyến cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài (50 km), TP.HCM - Chơn Thành (60km), Chơn Thành - Gia Nghĩa (qua địa phận Bình Phước khoảng 102km), Chơn Thành - Đức Hòa (84km), Dầu Giây - Tân Phú (60km) thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Gò Dầu - Xa Mát (65km).

Nâng tổng số km đường bộ cao tốc trong vùng Đông Nam bộ lên khoảng 772km. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.

"Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ dự kiến khoảng 413.000 tỷ đồng", ông Thắng cho hay.

Tăng cường kết nối liên vùng

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng.

-Kết nối Đông Nam bộ với Tây Nguyên thông qua 02 tuyến cao tốc: Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng); Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)- Đức Hòa (Long An) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

-Kết nối Đông Nam bộ với Nam Trung bộ thông qua tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).

-Kết nối Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long thông qua 04 tuyến cao tốc, vành đai: Đường Vành đai 4 TP.HCM; TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An) - Mỹ An (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

-Kết nối Đông Nam bộ với các cửa khẩu quốc tế giao thương với Campuchia thông qua 03 tuyến các tốc: TP.HCM - cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh); TP.HCM - Chơn Thành - cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước).

-Kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong vùng thông qua các tuyến cao tốc, vành đai: Đường Vành đai 3, 4 TP.HCM; Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem