Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Hạn chế thấp nhất việc gây phiền hà cho người dân

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 11/08/2023 14:47 PM (GMT+7)
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị hạn chế thấp nhất việc gây phiền hà cho người dân, tổ chức trong quá trình sắp xếp khu phố, ấp tại hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP ngày 11/8.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Không cứng nhắc khi đặt tên, sắp xếp khu phố, ấp - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định mô hình khu phố, ấp, tổ nhân dân, tổ dân phố đã hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực cho hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại cơ sở. Việc sắp xếp lại mô hình tổ chức dưới cấp xã là việc thành phố thực hiện theo quy định của Trung ương để tạo sự thống nhất chung của cả nước.

Đi sâu vào một số nội dung cụ thể, ông Mãi cho biết, có 5 chức danh gần như "cứng", gồm bí thư, trưởng khu phố, ấp, ban mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nơi chưa có đoàn thanh niên thì có thể thay bằng hội cựu chiến binh.

Việc đặt tên cho khu phố, ấp theo số nhưng có những khu phố cần đặt tên theo chữ. "Chúng ta không cứng nhắc, cấp ủy phải lãnh đạo, làm sao để có phương án phù hợp nhất", ông nhấn mạnh và đề nghị cả hệ thống chính trị cùng tham gia lựa chọn phương án.

Liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo chỉ đạo của Trung ương, TP.HCM có 6 đơn vị cấp huyện, 149 đơn vị cấp xã chưa đủ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Tuy nhiên, nếu chiếu theo các tiêu chí đặc thù thì thành phố cần rà soát lại và cũng có thể sau khi rà soát lại sẽ có một số đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc diện không phải sắp xếp.

Dự kiến tuần sau, thành phố sẽ họp Ban chỉ đạo và cho ý kiến về đề cương chuẩn bị đề án để báo cáo các đơn vị có thẩm quyền (Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP.HCM) trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc nhở: "Các đơn vị phải rà soát, giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính có liên quan một cách thuận lợi nhất, hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân, các tổ chức; ứng dụng công nghệ để chuyển đổi các hồ sơ".

Hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, khi hình thành khu phố thì đảm bảo quy mô từ 500 hộ trở lên, ấp từ 350 hộ trở lên. Một số địa bàn diện tích rất nhỏ nhưng có rất nhiều block chung cư vượt trên 2.000 hộ dân.

"Có thể một block chung cư đó thành lập một khu phố cũng được, không nhất thiết phải chia ra cứ phải 500 hộ là một khu phố", bà Thắm nói. Do đó, TP không khống chế mức trần mà chỉ cần đạt quy mô từ 500 hộ trở lên thì hình thành khu phố và từ 350 hộ trở lên thì hình thành ấp.

Theo kế hoạch, việc sắp xếp khu phố, ấp căn cứ trên số hộ gia đình thực tế, quy mô số hộ gia đình theo quy định của Luật Cư trú, địa giới hành chính, ranh giới khu phố, ấp để sáp nhập hoặc chia tách, thành lập khu phố, ấp mới.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM giải thích thêm, sau khi sắp xếp, TP.HCM chỉ còn khu phố, ấp dưới phường, xã, thị trấn. TP không duy trì mô hình tổ dân phố, tổ nhân dân.

"Việc sắp xếp khu phố, ấp hướng tới mục tiêu kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Những vấn đề trong quá trình sắp xếp cần được xử lý, giải quyết kịp thời" - ông Huỳnh Thanh Nhân khẳng định.

Theo lộ trình, từ tháng 8 đến tháng 10, TP.Thủ Đức, các quận, huyện sẽ triển khai thực hiện việc sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn và gửi hồ sơ về Sở Nội vụ để thẩm định. Đến tháng 11, Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét ban hành nghị quyết và chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp khu phố, ấp.

Từ tháng 1/2024, TP.Thủ Đức, các quận, huyện triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Nghị quyết của HĐND TP và tổ chức lễ công bố ra mắt khu phố, ấp mới.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng cho hay, TP.Thủ Đức đã thí điểm sắp xếp khu phố trên địa bàn phường An Phú, Hiệp Bình Phước và Hiệp Phú. Sau sắp xếp, số lượng khu phố của ba phường tăng từ 15 thành 76 khu phố, nhưng đã giảm được 183 người hoạt động không chuyên trách.

Khi thực hiện thí điểm sắp xếp khu phố, địa phương cũng gặp một số khó khăn liên quan đến trụ sở hoạt động của khu phố mới; tâm tư của đội ngũ không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Không cứng nhắc khi đặt tên, sắp xếp khu phố, ấp - Ảnh 4.

Công an Phường 5 phối hợp Công an Quận 3 làm CCCD cho các cụ lớn tuổi, khó khăn đi lại. Ảnh: UBND P5

Một số khó khăn nữa TP.Thủ Đức gặp phải khi tiến hành sắp xếp khu phố là phải sắp xếp lại các chi bộ hoặc đảng bộ cơ sở; kinh phí phục vụ công tác sắp xếp và duy trì hoạt động của các khu phố thời gian tới; việc bố trí nhân sự cán bộ đoàn cũng còn nhiều khó khăn khi đa số đoàn viên sinh hoạt ở nơi làm việc hoặc học tập.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức kiến nghị TP.HCM sớm có hướng dẫn về việc sử dụng kinh phí sắp xếp khu phố, ấp và duy trì hoạt động khu phố, ấp mới cho các địa phương. Đồng thời, tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, khi thực hiện các bước sắp xếp, các địa phương phải tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực.

Trường hợp trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì UBND xã, thị trấn trình HĐND xã, thị trấn thông qua tại kỳ họp gần nhất. Kể từ ngày có nghị quyết của HĐND xã, thị trấn, UBND xã, thị trấn hoàn chỉnh hồ sơ sắp xếp mới trình UBND cấp huyện.

Trường hợp tỷ lệ không đạt trên 50% thì UBND xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2. Nếu vẫn không được trên 50% thì UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

Hiện TP.HCM đang có hơn 27.300 mô hình tổ chức dưới xã, phường, với số lượng nhân sự hơn 64.000 người. Trong đó có hơn 2.000 khu phố, ấp (với hơn 17.000 người) và hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân (với hơn 46.000 người). Sau khi sắp xếp, dưới phường, xã, thị trấn chỉ còn khoảng hơn 5.200 khu phố, ấp (không còn tổ dân phố, tổ nhân dân). Số người hoạt động giảm còn hơn 26.000 người.

Việc sắp xếp dựa trên số hộ gia đình thực tế (từ 500 hộ trở lên với khu phố; từ 350 hộ trở lên với ấp), địa giới hành chính, ranh giới khu phố, ấp để sáp nhập hoặc chia tách, thành lập khu phố, ấp mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem