Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói gì về 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch - Đầu tư?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 11/05/2023 18:09 PM (GMT+7)
Tại hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương TP.HCM tổ chức ngày 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về thông tin TP gửi 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong năm 2022.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói gì về 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng/SGGP

Thành phố không né tránh trách nhiệm

Tại hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương TP.HCM (DDCI) năm 2022 và triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nhắc về buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thủ tướng và TP.HCM diễn ra giữa tháng 4. Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có nhắc đến việc TP gửi 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tất cả các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.HCM.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, sau khi có phản ánh, địa phương đã chỉ đạo phân tích các văn bản đã xin ý kiến. Qua dữ liệu, TP.HCM nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm.

Nhóm 1 là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi ý kiến về hướng xử lý.

Nhóm 2 là có những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa các luật hiện có nên phải hỏi để thống nhất hướng giải quyết.

Nhóm 3 là đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau.

Nhóm 4 là đã có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi.

Theo ông Phan Văn Mãi, nếu quy các trường hợp thuộc nhóm 4 là sợ, không dám làm thì có thể đúng, nhưng các nhóm còn lại là cần phải hỏi.

"Trong hơn 600 văn bản trả lời, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào nội dung trả lời vẫn không biết sao mà làm. Chúng ta cần nói thẳng thắn với nhau có hay không câu chuyện không cần hỏi nhưng vẫn hỏi, và tỷ lệ là bao nhiêu chứ không phải là tất cả. Phát biểu của đồng chí Bộ trưởng cũng giúp thành phố sửa đổi để làm tốt hơn. Thành phố không có ý tránh trách nhiệm hay đổ lỗi. Nhân đây mong muốn báo chí, chuyên gia khách quan phân tích, với tinh thần chỉ ra để thành phố tiếp thu, làm tốt hơn", ông Mãi giải thích.

Đánh giá để có sự chuyển biến trong thực tế

Thông tin về kết quả DDCI của TP.HCM năm 2022, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu DCCI, Công ty Viet Analystics cho biết, ở khối sở ngành, Sở Khoa học - Công nghệ xếp thứ nhất, tiếp đến là Ban Quản lý Khu chế xuất – khu công nghiệp, Sở Công Thương, Sở Văn hoá thể thao, Sở Tư pháp…

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói gì về 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư? - Ảnh 3.

Sở Khoa học công nghệ đứng đầu khối sở, ban, ngành. Ảnh: B.C

Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Giao thông vận tải là những sở có chỉ số DDCI thấp nhất.

Về khối quận huyện, quận Phú Nhuận là đơn vị dẫn đầu về chỉ số DDCI, tiếp sau đó là quận 11, quận 10, quận Tân Phú, quận 3. Đây cũng là các quận được đánh giá cao ở các chỉ tiêu: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất…

Trong khi đó, TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi là những địa phương có xếp hạng DDCI thấp nhất.

Ba sở chưa cung cấp bảng khảo sát làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá DDCI là Sở Y tế, Sở Du lịch và Sở GD-ĐT đã bị Chủ tịch UBND TP nghiêm khắc phê bình.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP.HCM đã đề ra 12 giải pháp để các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện. UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương, sở ngành khẩn trương rà soát, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp, phấn đấu giảm 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.

Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp biên chế, số lượng người làm việc tại cơ quan, đơn vị tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), số hóa dữ liệu, công khai, minh bạch trong xử lý TTHC. Khẩn trương rà soát, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn và báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo.

UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chậm trễ, thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Các đơn vị cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Về việc cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết, UBND TP.HCM sẽ phát động phong trào thi đua "Dân vận khéo", bổ sung tiêu chí khen thưởng, đánh giá sự năng động trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói gì về 584 văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư? - Ảnh 4.

Quận Phú Nhuận đứng đầu khối quận huyện. Ảnh: B.C

Hàng quý, UBND TP.HCM sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ do thành phố giao, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, tái kiểm tra việc khắc phục các sai phạm, thiếu sót trong thực thi công vụ tại các đơn vị, địa phương.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu, từ kết quả phân tích các chỉ số PAR Index, PAPI, PCI cho thấy hiệu quả chưa cao, Thành phố phải tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là mệnh lệnh hành động của Thành phố trong giai đoạn hiện nay để tạo sự chuyển biến trên thực tế, cải thiện không chỉ bằng các chỉ số mà bằng sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân", ông Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch TP.HCM cho biết thêm, đây là lần đầu tiên Thành phố triển khai chỉ số DDCI nên còn những hạn chế, thiếu sót, nhưng cơ bản phản ánh được ý kiến, mong muốn của doanh nghiệp, là cơ sở cho các cơ quan đơn vị soi vào để có giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ. Đây cũng là nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem