Chủ tịch TT-Huế mặc áo dài khăn đóng dâng hương tri ân ông tổ áo dài Việt Nam
Chủ tịch TT-Huế mặc áo dài khăn đóng dâng hương tri ân ông tổ áo dài Việt Nam
Trần Hòe
Thứ năm, ngày 09/07/2020 16:15 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trang phục áo dài khăn đóng dâng hương tri ân “ông tổ” của áo dài Việt Nam nhân dịp húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Trong 2 ngày 8 và 9/7, nhân dịp húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình "Tri ân tiền nhân" - một trong những nội dung quan trọng của đề án "Ngày hội Áo dài Huế".
Lễ hành hương và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát được tổ chức tại 2 địa điểm gồm lăng Trường Thái (khu lăng mộ của chúa, tọa lạc tại thôn La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) và tại Triệu Tổ Miếu (Hoàng cung Huế).
Từ sáng sớm 9/7, rất đông con cháu Hệ 9 Tiền biên, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc đã có mặt tại lăng để chuẩn bị lễ vật cho lễ húy kỵ chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trong trang phục áo dài khăn đóng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo ngành văn hóa địa phương đã cùng cộng đồng dân cư dâng hương tri ân.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, hoạt động tri ân tiền nhân với lễ hành hương về lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là "ông tổ" của áo dài Việt Nam nhân dịp húy kỵ 20/5 âm lịch, sẽ được tổ chức thường niên. Đây là một trong những nội dung quan trọng của đề án "Ngày hội Áo dài Huế" mà tỉnh đang thực hiện.
Trong chương trình "Tri ân tiền nhân", Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức lễ dâng hoa tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu (Đại Nội Huế). Nhiều nghệ sĩ, người mẫu, các nhà thiết kế áo dài trên địa bàn và cộng đồng đã cùng tham gia đoàn diễu hành, rước lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát. Dẫn đầu đoàn dâng hoa là các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế với phục trang, đạo cụ theo nghi thức cung đình xưa, làm tôn lên nét trang trọng và thành kính...
Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.