Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng nói về thị trường chứng khoán 2019

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 01/01/2019 08:00 AM (GMT+7)
Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng dự báo thị trường chứng khoán năm 2019 sẽ chịu tác động mạnh nhất bởi động thái tăng lãi suất của FED. Thêm vào đó, hiệu ứng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và tác động tới thị trường chứng khoán.
Bình luận 0

img

Diễn biến chỉ số VnIndex trong năm 2018

Thị trường lên nhanh, xuống cũng nhanh

Năm 2018, lần đầu tiên TTCK Việt Nam chứng kiến tình trạng biến động mạnh nhất sau 10 năm, tính từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây cũng là năm đầu tiên thị trường chứng khoán suy giảm, sau 5 năm liên tiếp trước đó chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, có năm lên đến 47% (năm 2017).

Trong năm 2018, VnIndex từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10.4.2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30.10.2018).

Trong nước, nền kinh tế giữ đà tăng trưởng cao và nội lực các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được củng cố khi khối doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20% năm 2018. Đây là những yếu tố nền tảng để kỳ vọng năm 2019, thị trường chứng khoán sẽ trở lại nhịp tăng trưởng song hành cùng nền kinh tế Việt Nam.

img

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng

Chia sẻ về TTCK Việt Nam 2018, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, năm 2018, TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện bất ngờ.

“Đầu năm 2018, thị trường đạt đỉnh lịch sử, thanh khoản cũng đạt mức lịch sử. Nhưng thị trường lên nhanh và xuống cũng nhanh. Từ tháng 6.2018, thị trường ổn định dù khi đó có nhiều dự báo thị trường giảm sâu. Thị trường vẫn còn đó yếu tố nội tại tốt, cơ hội đầu tư. Các quỹ đầu tư nước ngoài dù rút vốn nhưng ngược lại vẫn rót vốn. Tiền mặt do nhà đầu tư ngoại nắm giữ, trong những tháng 5 và 6.2018 lên tới trên 1 tỷ USD, cao hơn so với mặt bằng trước đây chỉ ở mức vài trăm triệu USD. Điều này chứng tỏ họ chờ cơ hội đầu tư”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoàng Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất quan tâm đến TTCK Việt Nam.

“Trong lúc thị trường biến động, cá nhân tôi nhiều lần nhận được điện thoại từ Thủ tướng và Phó Thủ tướng nhằm hỏi han tình tình thị trường và giải pháp xử lý. Trong một cuộc họp cuối năm, Thủ tướng chỉ nhấn mạnh hai điểm cần tập trung cho năm 2019 là cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho khu vực tư nhân phát triển. Đây là bước thể chế hóa chủ chương của Đảng, coi kinh tế tư nhân là trụ cột của nền kinh tế.

Chưa bao giờ mức độ chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng trong việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô quyết liệt như năm 2018”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng chia sẻ.

Dự báo kịch bản TTCK Việt Nam 2019, ông Trần Văn Dũng cho biết, FED tăng lãi suất sẽ tác động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, hiệu ứng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Kinh tế Mỹ suy thoái và tâm lý co cụm của NĐT nước ngoài

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng nhận định, năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn bên ngoài. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và dấu hiệu suy của thoái kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và 2020.

“Điều này sẽ tác động ngay tới giá dầu, thị trường chứng khoán, đầu tư, thương mại và và tâm lý co cụm của nhà đầu tư nước ngoài. Từ 1 năm trước, các chuyên gia đã nhận định sau 3 năm tới, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Gần đây, những dấu hiệu này dần trở nên rõ nét hơn. Đây là yếu tố bất ổn nhất tác động tới TTCK, thương mại và đầu tư trong năm 2019”.

img

Nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng

Thứ hai, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đây là cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, liên quan đến kinh tế, công nghệ quân sự và tự do hàng hải. Các đối sách của Mỹ và Trung Quốc đều tác động vào điểm nhạy cảm của Đông Nam Á nằm trên trục Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Ông Vũ Bằng nói: “Ứng xử của Việt Nam ra sao để phát huy lợi thế, đồng thời tránh được tổn thất về thương mại, đầu tư cũng là một điểm đáng lưu tâm”.

Thứ ba, nợ toàn cầu, nợ quốc gia, nợ nước ngoài đang ở mức khá lớn. Đây là điểm yếu của các nước được thể hiện khi kinh tế suy thoái và FED tăng lãi suất, tác động đến thương mại, đầu tư và tỷ giá.

Thứ tư, động thái tăng lãi suất tại các Ngân hàng Trung ương các nước nhằm đề phòng lạm phát. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá, dòng tiền luân chuyển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem