Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: "Tiếp tục nghiên cứu" thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng

Vũ Ân - Tất Định Thứ tư, ngày 01/11/2023 10:23 AM (GMT+7)
8 Sở liên quan cùng UBND huyện Kim Bảng đã thống nhất đề nghị ban hành Quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Hà Nam, việc này vẫn phải "tiếp tục nghiên cứu".
Bình luận 0

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã trả lời PV Báo điện tử Dân Việt liên quan đến việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng. Dự án thành lập khu bảo tồn đã có chủ trương gần 7 năm nay nhưng vẫn chưa chính thức có Quyết định thành lập. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay, Khu bảo tồn đã được đưa vào quy hoạch của tỉnh, việc thành lập đang được triển khai các bước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị giao chủ trì, đã có tờ trình, phương án thành lập. 

Khu bảo tồn voọc mông trắng Hà Nam: 7 năm và "tiếp tục nghiên cứu" đến khi nào?  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy. Ảnh: TH Hà Nam.

"Ở khu vực đó có khu bảo tồn voọc mông trắng và khu du lịch Tam Chúc chồng lấn, tỉnh phải xem xét thành lập một Ban quản lý hay hai, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy như thế nào, tiền lương ai trả. Sở Nông nghiệp mới chỉ nhìn một khía cạnh, đã nhìn về khía cạnh du lịch văn hóa hay chưa?", ông Huy nói. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, khi thành lập Ban quản lý khu bảo tồn phải đảm bảo có nguồn thu để trả lương, trong khi tỉnh đang có chủ trương hạn chế phát sinh biên chế mới.  

"Chúng tôi rất muốn khi thành lập phải đảm bảo khoa học chặt chẽ. Lập ra ban thì dễ nhưng không đáp ứng được phải giải tán, sắp xếp nhân sự khó hơn nhiều", ông Huy nói. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay việc thành lập khu bảo tồn cùng ban quản lý sẽ "tiếp tục nghiên cứu" và chưa đưa ra thời gian dự kiến thành lập khu bảo tồn. 

Trước đó, đầu tháng 9/2023, ông Lê Hoàng Thuyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam được UBND tỉnh giao đại diện trả lời báo chí về khu bảo tồn voọc mông trắng. 

Việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng còn hai bước cuối là Quyết định thành lập Khu bảo tồn và thành lập Ban quản lý để tiếp nhận. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nam, "hiện đã đầy đủ cơ sở pháp lý để UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn".

Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, thời gian dự kiến, cuối tháng 9 tỉnh có thể công bố quyết định thành lập khu bảo tồn. Chậm nhất là trong quý IV/2023 sẽ thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn để tiếp nhận và đi vào hoạt động.

Ngày 22/9, UBDND tỉnh Hà Nam đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức rà soát tham mưu, đề xuất phương án thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng huyện Kim Bảng.

Ngày 3/10, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị xin ý kiến 7 sở liên quan và UBND huyện Kim Bảng, các đơn vị thống nhất đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét ra Quyết định thành lập khu bảo tồn và cho phép thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn trực thuộc Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp.

Từ đầu năm 2017, UBND tỉnh Hà Nam đã đồng ý chủ trương thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng. Những năm qua, hàng chục văn bản từ các Bộ ngành liên quan, tổ chức quốc tế đã được gửi đến chính quyền Hà Nam đề nghị thành lập khu bảo tồn và trợ giúp hướng dẫn địa phương.

Nghị Quyết 30 của Bộ Chính trị tháng 11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thành lập, phát triển Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng Kim Bảng nhằm tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia.

Khu bảo tồn voọc mông trắng Hà Nam: 7 năm và "tiếp tục nghiên cứu" đến khi nào?  - Ảnh 2.

Bao quanh nơi sinh sống của quần thể voọc mông trắng Kim Bảng (Hà Nam) là khoảng 20 công trường khai thác đá vôi. Ảnh: Phương Hồng.

Qua rà soát của tỉnh Hà Nam năm 2020, khu vực quần thể voọc mông trắng lớn thứ hai thế giới ở huyện Kim Bảng, có ranh giới chồng lấn với khoảng 20 doanh nghiệp khai thác đá vôi để sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. 

Theo TS. Ngô Quang Tùng, TS. Phạm Quang Tùng - Quản lý Dự án Kim Bảng, Hà Nam, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI), việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng ở Hà Nam là hết sức cấp bách và thiết thực nhằm bảo tồn nguồn gen, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực và toàn cầu, cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

"Quan ngại lớn nhất của chúng tôi cho đàn voọc hiện nay là sinh cảnh của chúng đang bị thu hẹp dần, diện tích rừng đang bị đe dọa để phát triển kinh tế. Sinh cảnh của loài linh trưởng này đang bị đe dọa từng ngày, những quả núi, khu rừng bị phá đi sẽ không thể hồi phục được", chuyên gia bảo tồn nói. 





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem