Khu bảo tồn voọc mông trắng ở Hà Nam đã "đủ cơ sở để công bố thành lập"
Khu bảo tồn voọc mông trắng ở Hà Nam đã "đủ cơ sở để công bố thành lập"
Tất Định
Thứ ba, ngày 26/09/2023 15:48 PM (GMT+7)
Hiện các thủ tục pháp lý của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng đã hoàn thiện, quyết định thành lập khu bảo tồn đang chờ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký duyệt, công bố.
Sau hơn 6 năm kể từ khi có chủ trương, việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng còn hai bước cuối là Quyết định thành lập Khu bảo tồn và thành lập Ban quản lý để tiếp nhận.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, đơn vị chủ trì đề án, cho biết, "hiện đã đủ cơ sở pháp lý để quyết định công bố thành lập khu bảo tồn".
Khu bảo tồn sẽ được công bố thành lập vào cuối tháng 9 và hoàn thiện bộ máy quản lý trong quý IV/2023.
Về Ban quản lý, Sở Nông nghiệp đưa ra phương án, khung cán bộ quản lý khu bảo tồn trước mắt sẽ lấy cán bộ của Sở kiêm nhiệm, có thể chỉ phát sinh thêm một số biên chế sự nghiệp mới. Bộ máy của Ban Quản lý Khu bảo tồn gồm: Giám đốc, Phó giám đốc và 2 phòng chuyên môn. Các nhân viên liên quan đến chốt rừng, tuần tiễu, bảo vệ rừng ngăn chặn việc khai thác lâm sản cũng như Phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BQL ở khu rừng đặc dụng theo quy định của Luật Lâm Nghiệp và Nghị định 156/2018 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm Nghiệp.
Theo đề án thành lập khu bảo tồn, phạm vi ranh giới khu bảo tồn được xác định: Phía Bắc tiếp giáp xã Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Đồng Hóa, Thụy Lôi, Ngọc Sơn (huyện Kim Bảng); Phía Nam tiếp giáp huyện Thanh Liêm và tỉnh Hòa Bình; Phía Đông tiếp giáp xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng) và thành phố Phủ Lý; Phía Tây và Tây Bắc lần lượt tiếp giáp huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội.
Khu rừng nguyên sinh duy nhất của Hà Nam không chỉ có voọc mông trắng quý hiếm. Qua điều tra đã thống kê được ở đây có tới 562 loài thực vật bậc cao có mạch trong đó có 48 loài thực vật đặc hữu, 41 loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, 21 loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 27 loài được xếp trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP, 7 loài được đánh giá theo Danh lục Đỏ IUCN (2021).
Khu vực cũng đã ghi nhận có tới 129 loài động vật có xương sống trên cạn trong dó có 15 loài thú thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn, 14 loài thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), có 14 loài được đưa vào Danh lục đỏ IUCN về các loài bị đe dọa, có 13 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Từ năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã ghi nhận quần thể voọc mông trắng ở Kim Bảng (Hà Nam) hơn 105 con, lớn thứ hai thế giới, sau khu bảo tồn thiên nhiên (Vân Long) Ninh Bình.
Lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giao UBND tỉnh Hà Nam áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng. Những năm qua, hàng chục văn bản từ các Bộ ngành liên quan, tổ chức quốc tế đã được gửi đến chính quyền Hà Nam đề nghị thành lập khu bảo tồn và trợ giúp hướng dẫn địa phương.
Nghị Quyết 30 của Bộ Chính trị tháng 11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thành lập, phát triển Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng nhằm tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.