Chủ tịch xã tuổi 25

Thứ sáu, ngày 18/03/2011 06:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làm Chủ tịch UBND xã, nhưng Hồ A Dược không bao giờ xem mình là “ông quan”, anh sẵn sàng ăn sương, nằm đất để tham gia phong trào với bà con. Nhờ thế, Dược ngày càng chiếm được lòng tin của người dân.
Bình luận 0

Trong khi bạn bè học hết lớp 9 đã quay về bản lập gia đình, Hồ A Dược, ở xã A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn miệt mài đèn sách. Và ở tuổi 25, Hồ A Dược trở thành Chủ tịch UBND xã trẻ nhất miền Trung.

Dược kể, từ nhỏ, anh đã sớm theo bố mẹ lên nương trồng trỉa. Dược không ngại khổ, nhưng nhìn phương thức canh tác của ba mẹ cũng như dân làng (phát, cốt, đốt, trỉa), anh thấy rằng "không có chữ, không nắm bắt khoa học kỹ thuật, làm theo tập quán thì chỉ có đói, khổ và làm nghèo rừng, bạc đất". Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, anh lại miệt mài vượt gần 20km mỗi ngày bằng chiếc xe đạp cọc cạch để ra huyện Hướng Hoá tiếp tục đeo đuổi cái chữ.

“Nén vàng không bằng gang chữ”

img

Thủ lĩnh 8X miền sơn cước Hồ A Dược.

Sáng đi học từ tinh mơ, trưa lặn lội về nhà để kịp lên rẫy, Dược phải tận dụng từng phút, từng giờ để ôn bài. Thế nhưng xong lớp 12, hoàn cảnh gia đình buộc anh phải dừng bước học hành. Dược về mái tranh nghèo ở xã A Xing cùng ba mẹ cần mẫn gieo những giọt mồ hôi trên nương, nhưng trong đầu anh luôn không thôi ý nghĩ: “Sự học còn dài. Giờ mình không được đến trường nữa thì mình tự mày mò tìm hiểu qua sách vở, ti vi. Nén vàng không bằng gang chữ, muốn đuổi con ma đói trước hết phải đuổi con ma dốt thôi”.

Có tinh thần năng nổ, đam mê cống hiến nên 18 tuổi, Dược trở thành hạt nhân trong phong trào Đoàn ở địa phương. Năm 2004, anh trúng cử vào HĐND xã và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã. Năm 2008, mới 25 tuổi, Hồ A Dược được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch UBND xã A Xing.

“Ban đầu mình lo lắm. Đảm nhận trọng trách lớn như vậy, mình phải cố gắng gấp hai, gấp ba bình thường, bởi để thay đổi được tư duy hàng ngàn đời nay của bà con là vấn đề vô cùng khó khăn, trong khi mình chỉ là một thằng bé chưa hiểu nhiều về cuộc sống” - Dược bộc bạch.

Ngày đầu, một số dân bản còn nghi ngờ năng lực của anh. “Những người từng kinh qua chiến tranh, từng hiểu dân, hiểu nhu cầu cuộc sống đến từng chân tơ kẽ tóc còn chưa ăn ai, trẻ con như nó e chẳng làm nên trò trống gì” - đó là những lời mà bà con nói thẳng. Thế nhưng, sau 2 năm trên cương vị Chủ tịch UBND xã, Dược đã góp phần đánh thức vùng quê nghèo khó. “Gần dân, hiểu dân và tận dụng sức mạnh của nhân dân. Dân đồng lòng thì việc gì cũng xong” - Dược cho biết bí quyết của anh.

Cán bộ trẻ thì phải “chuẩn”

Làm Chủ tịch UBND xã, nhưng Hồ A Dược không bao giờ xem mình là “ông quan”, anh sẵn sàng ăn sương, nằm đất để tham gia phong trào với bà con. Nhờ thế, Dược ngày càng chiếm được lòng tin của người dân.

Hiện tại, số hộ nghèo theo chuẩn mới trong toàn xã A Xinh chiếm gần 45%. “Tới đây, xã quyết tâm giảm bình quân mỗi năm từ 4 - 5%” - anh Dược cho biết. Ở vùng khó khăn như A Xing, đặt mục tiêu giảm nghèo đến 5% là chẳng dễ dàng gì. Nhưng nhìn vào con số thống kê những năm lại đây thì thấy Dược không nói liều. 3 năm trở lại, mỗi năm số hộ nghèo của xã giảm 7-10%, số hộ khấm khá tăng lên đáng kể.

Vừa làm, Dược vừa đăng ký học Đại học Luật để bổ sung kiến thức. Tự bản thân anh đang “chuẩn hoá” chính mình để có thể làm tốt nhiệm vụ, bởi theo Dược “đã là cán bộ thì phải chuẩn”. Theo đánh giá của Huyện ủy Hướng Hóa, Hồ A Dược là một cán bộ trẻ, năng động, có kiến thức và có uy tín với dân.

Là thanh niên, Dược cũng biết thông tin Bộ Nội vụ, T.Ư Đoàn đang triển khai Đề án đưa 600 trí thức trẻ về xã làm Phó Chủ tịch UBND. Anh chia sẻ: “Chủ trương đưa cán bộ trẻ có năng lực về làm Phó Chủ tịch UBND xã của Chính phủ rất hay bởi ở các xã như chúng tôi, mặt bằng trình độ dân trí còn thấp. Cán bộ trẻ năng động, am hiểu khoa học kỹ thuật, nông lâm ngư nghiệp... rất cần thiết để giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, phát triển kinh tế".

Tuy nhiên, anh Dược cũng chia sẻ băn khoăn, là cán bộ xã trưởng thành từ địa phương, anh hiểu đối với những xã miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Quảng Trị, đào tạo cán bộ trẻ là con em địa phương thuận lợi hơn việc đưa cán bộ từ các nơi khác đến.

“Con em của địa phương hiểu rõ về phong tục tập quán, sẽ nắm bắt được tâm lý bà con cần gì và dễ dàng hơn trong việc vận động bà con chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ cũng quan trọng không kém việc tăng cường trí thức trẻ nơi khác đến để tạo sự hài hoà trong việc chuẩn hoá, nâng cao năng lực cán bộ cấp xã” - anh Dược bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem