Chủ tịch Hội NDVN: Đưa người trẻ vào Hội để tăng sức mạnh tri thức

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 14/12/2018 06:15 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt và báo giới bên lề cuộc họp báo thông tin kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khóa VII nhấn mạnh: Việc kết nạp thêm những người trẻ vào Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN sẽ tạo thêm sức mạnh cho Hội, đặc biệt là sức mạnh về tri thức.
Bình luận 0

Tư duy mới, hành động mới

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã kết thúc tốt đẹp với việc bầu ra Ban Chấp hành khóa mới với sự thống nhất cao. Đâu là những điểm nhấn đáng nhớ của Đại hội lần này, thưa Chủ tịch?

- Theo tôi, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII có rất nhiều điểm mới, thể hiện một tư duy mới, hành động mới, tạo động lực để tổ chức Hội phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn.

Thứ nhất, lần đầu tiên trong một kỳ Đại hội của Hội ND có sự tham gia của 54 dân tộc anh em; trong đó có cả đại diện những dân tộc ít người nhất; đại biểu trẻ tuổi nhất cũng đến từ một dân tộc thiểu số.

Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khóa mới đảm bảo cơ cấu đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số... Điều này cho thấy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những khó khăn, tồn tại mà đồng bào đang phải đối mặt sẽ là những ưu tiên hàng đầu để giải quyết rốt ráo trong nhiệm kỳ này.

Điều đáng ghi nhận nữa là trong thành phần Ban Chấp hành khóa mới có nhiều đại diện ND còn rất trẻ nhưng thể hiện được sự năng động, sáng tạo, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sự đột phá. Tôi tin, chính thế hệ ND mới này sẽ tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng tặng hoa cho các nhà tài trợ Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII. (Ảnh: Trọng Hiếu) 

Thứ hai, trong Đại hội VII, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ ND đã được bàn bạc, thảo luận và thống nhất với nhiều điểm mới.

Theo đó, nội hàm của Quỹ Hỗ trợ ND sẽ được mở rộng. Ngoài việc tích cực giải ngân vốn hỗ trợ bà con ND về cây – con giống mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình còn hỗ trợ bà con về mặt thông tin, giúp bà con chủ động hơn trong sản xuất, thông tin thị trường. Bởi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thông tin nhiều khi mang tính quyết định đến hiệu quả sản xuất.

Một bước tiến mới của Đại hội lần này là bầu Ủy ban Kiểm tra thay cho Ban Kiểm tra như các nhiệm kỳ trước. Điều này sẽ giúp nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của Hội, để hoạt động Hội ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của ND Việt Nam.

Thứ tư, lần đầu tiên, chế định để xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh được quyết định. Đây cũng là yêu cầu của cán bộ Hội trong thời gian tới, đó là làm cầu nối giữa ND với chính quyền, doanh nghiệp các nhà khoa học; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ND.

Thứ năm, lần đầu tiên tại Đại hội, đối tượng thuộc diện được kết nạp làm hội viên được mở rộng. Theo đó, học sinh học hết THPT, là con em nông dân, nhà khoa học sẽ được kết nạp vào Hội...

Trí thức hóa nông dân: Tư duy đột phá

Đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội ND, được ND kỳ vọng tạo ra sức bật mới trong sản xuất. Vậy trong nhiệm kỳ tới, hoạt động này sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí? 

- Đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho ND là một nhiệm vụ quan trọng của Hội nhằm thực hiện mục tiêu trí thức hóa ND. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thay đổi như vũ bão về công nghệ, các cán bộ Hội cũng cần đổi mới hoạt động đào tạo, dạy nghề.

"Ban Chấp hành khóa mới có nhiều đại diện ND còn rất trẻ nhưng thể hiện được sự năng động, sáng tạo, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sự đột phá. Tôi tin tưởng rằng, chính thế hệ ND mới này sẽ tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, ND, nông thôn”.
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khóa VII Thào Xuân Sùng

Thay vì tổ chức đào tạo, dạy nghề từ lý thuyết đến thực hành, tham quan mô hình như cách truyền thống hiện nay, chúng ta phải tổ chức dạy ngay trên đồng ruộng, dựa vào chu ký sinh trưởng của từng đối tượng cây trồng – vật nuôi.

Điều này sẽ giúp bà con ND nhìn thấy được những ưu nhược điểm của  từng loại cây – con, có thể lợi dụng tình hình khí hậu, thổ nhưỡng để triển khai sản xuất hiệu quả.

Tại Đại hội VII, mục tiêu trí thức hóa ND được đặt ra một cách mạnh mẽ. Theo Chủ tịch, đâu là giải pháp để Hội thực hiện được mục tiêu này?

- Mục tiêu trí thức hóa ND được thể hiện ngay trong việc đổi mới, mở rộng đối tượng kết nạp hội viên Hội ND. Theo đó, học sinh THPT, đủ 18 tuổi là đủ điều kiện được kết nạp Hội. Sở dĩ có quy định này trong điều lệ là vì Đại hội nhận thấy, đây là lực lượng quan trọng được ưu tiên đào tạo nghề để thực hiện mục tiêu trí thức hóa ND. Đây cũng là một tư duy mang tính đột phá của Ban Chấp hành.

Tham gia tổ chức Hội, các em sẽ được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo nghề. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, đội ngũ này sẽ có đủ tri thức để tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0. Sự nhạy bén về mặt thị trường cũng giúp họ biết rõ đầu ra từ trước khi bước vào sản xuất.

Thực tế, ngay tại Đại hội này, chúng ta đã thấy sự góp mặt khá đông đảo của những đại biểu tuy còn trẻ nhưng đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đội ngũ trẻ, các nhà khoa học cũng là đối tượng được kết nạp hội viên Hội ND. Ngay tại Đại hội này, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã thống nhất trao tặng một danh hiệu mới, đó là danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”. Tới đây cũng sẽ tiến hành tổ chức lễ tôn vinh lần thứ nhất.

Cũng cần phải nhắc lại, trong hoạt động của Hội, trong hành trình sản xuất của ND luôn không thể thiếu vai trò của các nhà khoa học. Hội luôn ưu tiên kết nạp các nhà khoa học trẻ ở các viện nghiên cứu, trường đại học, là những người có điều kiện tiếp cận với tri thức sản xuất hiện đại.

Những nhà khoa học này chính là những “cái thang” giúp ND tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, từ đó thay đổi diện mạo sản xuất. Hội ND đang có chủ trương thí điểm hoạt động chia lợi nhuận cho các nhà khoa học dựa trên hàm lượng công nghệ nhà khoa học đóng góp vào mô hình sản xuất. Tôi cho đó là một hướng đi bền vững, hiệu quả trong hợp tác giữa các nhà.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem